Thời sự

TP.HCM kiểm tra tình trạng hàng trăm cây cầu sau sự cố sập cầu Phong Châu

Nguyễn An 16/09/2024 11:28

Sau sự cố sập cầu Phong Châu, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn cho hệ thống cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn Thành phố trong mùa mưa bão.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sự cố sập cầu Phong Châu sau khi cơn bão số 3 Yagi đi qua đã gây rất nhiều thiệt hại. Do đó, để tránh xảy ra sự cố gây thiệt hại về người, tài sản trên địa bàn TP.HCM, Sở này đề nghị các UBND quận huyện và TP. Thủ Đức, các đơn vị thuộc Sở và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn Thành phố trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM còn đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng; cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên bàn Thành phố.

Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lưu ý các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa sửa chữa, bảo trì; phát hiện và sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ sự cố công trình, mất an toàn giao thông công trình trong mùa mưa, bão năm 2024.

Trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông, các đơn vị phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình.

Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn công trình kịp thời; có phương án tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.

cau-tan-thuan-1-1589461697-width1024height683.jpg
Cầu Tân Thuận 1

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị thường xuyên phối hợp với UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ.

Theo đó, các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, đặc biệt là cầu giao thông nông thôn trên địa bàn TP.HCM nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn khai thác trong mùa mưa bão.

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các Khu Quản lý đường bộ 1 và 2, các sở giao thông vận tải bị ảnh hưởng của bão số 3 khẩn trương kiểm tra, rà soát an toàn các công trình cầu.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 223 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Trong đó, TP.HCM có nhiều cây cầu được xây dựng từ trước năm 1975 và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.

Cầu Phong Châu nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao sập 2 nhịp lúc 10 giờ ngày 9/9. Báo cáo của tỉnh Phú Thọ cho biết có 10 phương tiện di chuyển trên cầu gồm 3 ô tô, 6 xe máy, 1 xe máy điện rơi xuống sông lúc cầu sập; 3 người đã được cứu. Hiện có 7 nạn nhân mất tích.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, quân đội, công an đã được huy động để tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mực nước sông Hồng dâng cao và chảy xiết, hoạt động tìm kiếm ban đầu chỉ tập trung vào khu vực ven bờ và hạ nguồn.

Đến chiều 13/9, khi sóng gió giảm bớt, các lực lượng chức năng đã triển khai hoạt động tìm kiếm trên diện rộng dưới lòng sông Hồng. Hàng trăm người cùng gần chục cano, xuồng máy liên tục di chuyển, tìm kiếm trên sông Hồng và quanh khu vực cầu sập. Dù nước đã rút, tốc độ dòng chảy vẫn lớn khiến việc tìm kiếm chưa có nhiều kết quả. Tại phần nhịp cầu dạt vào bờ ở xã Hương Nộn, huyện Hạ Hòa, gần chục người ròng dây, kéo rác mắc kẹt để chuẩn bị cho việc trục vớt.

Hiện, giữa lòng sông Hồng, cách vị trí cầu sập 300m, Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 phối hợp cùng cơ quan khí tượng thủy văn đã tiến hành thả thiết bị đo tốc độ dòng chảy nhằm thu thập dữ liệu chính xác phục vụ cho việc thiết kế và lắp đặt cầu phao.

Nguyễn An