Thời sự

Doanh nghiệp có thể được thêm vào đối tượng được hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh

Bạch Khởi 13/09/2024 16:20

Trong bối cảnh bão số 3 tàn phá nặng nề gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đề xuất doanh nghiệp là một đối tượng được thêm vào danh mục nhận hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh.

Đề xuất của VASEP được góp ý tại Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật, thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức lấy ý kiến.

Theo đó, góp ý khoản 1 Điều 4 "Đối tượng và điều kiện hỗ trợ" của Dự thảo, VASEP cho rằng cần bổ sung đối tượng doanh nghiệp.

Hiện, Dự thảo xác định đối tượng hỗ trợ là “Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (sau đây gọi là cơ sở sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra”.

VASEP nhận định, theo quy định pháp luật thì các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Hiện tại và tương lai, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

Doanh nghiệp nông nghiệp tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy việc làm, gia tăng sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông - thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - thủy sản nói chung thì doanh nghiệp hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để nhận hỗ trợ.

nuoi-bien1.jpg
VASEP kiến nghị bổ sung doanh nghiệp là đối tượng cần nhận hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh

Thực tế, nhiều chính sách thực tiễn trong thời gian từ giai đoạn COVID-19 tới nay, đặc biệt gần đây nhất là Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão thì doanh nghiệp luôn là chủ thể bên cạnh người dân trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài việc bổ sung đối tượng doanh nghiệp, VASEP cũng cho ý kiến về Điều 6 "Trình tự, thủ tục hỗ trợ thiệt hại”. Hiệp hội cho rằng Dự thảo mới chỉ đề cập đến việc ban hành quyết định hỗ trợ, chưa đề cập đến việc chi trả thực tế. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thời gian từ lúc ban hành quyết định hỗ trợ cho tới khi tiền đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài không xác định thời hạn.

Hiệp hội cũng cho rằng tổng thời gian để thực hiện tất cả các công đoạn tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày là chưa phù hợp với mục đích hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu từng cơ sở phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục riêng lẻ có thể sẽ phức tạp, tốn kém chi phí, kéo dài thời gian và mất nhiều cơ hội “khôi phục” cho cơ sở.

Theo VASEP, sau bão số 3, một số doanh nghiệp thủy sản tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã bị thiệt hại nặng nề. Hoạt động của nhà máy gần như tê liệt, các doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất. Hàng hóa không có nơi để bảo quản do bị mất điện, có nơi kho trữ lạnh không duy trì được nhiệt độ bảo quản hàng hoá. Ước tính sơ bộ tổn thất về của các nhà máy ít nhất là 300-400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1-2 tỷ đồng, thậm chí lên tới 100 tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng nề dù mới là thống kê sơ bộ, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và ban soạn thảo Dự thảo Nghị định xem xét, tiếp thu các góp ý, đề xuất để bổ sung sửa đổi hợp lý nhằm tăng cường hiệu quả, ý nghĩa của công tác hỗ trợ, giúp các nguồn lực hỗ trợ đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ và kịp thời khôi phục sản xuất.

Bạch Khởi