Thời sự

Thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện

Thanh An 13/09/2024 - 10:42

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.

Theo đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là Tổ trưởng và ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổ phó để rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện.

Trên cơ sở đó, Tổ công tác có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất các sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, trước ngày 20/9/2024 để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 8 theo quy trình. Ngoài ra, phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền, Phó Thủ tướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác chủ động huy động lực lượng tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao bảo đảm dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và dự án một luật sửa nhiều luật có chất lượng tốt nhất, khả thi; sau khi các luật được ban hành, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện theo Quy hoạch, Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

khoi-1690206718-1721651250346185611113.jpg
Thường trực Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện

Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Mặt khác, tiến hành rà soát các vướng mắc của pháp luật liên quan trong việc phát triển các dự án điện để nghiên cứu, đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung vào dự án một luật sửa nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, Luật Xây dựng…

Thường trực Chính phủ cũng lưu ý cần nghiên cứu, sửa đổi các luật theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền tối đa, các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; bố trí, phân bổ nguồn lực hợp lý; quy định trách nhiệm và thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra giám sát; cần nghiên cứu để phân cấp cho các bộ, địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc theo quy hoạch và sản phẩm đầu ra.

Đối với các dự án đã được cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng cam kết. Trường hợp không thực hiện theo đúng cam kết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết thu hồi giấy phép theo đúng quy định của pháp luật.

Về Đề án thí điểm điện gió ngoài khơi, Bộ Chính trị đã có chủ trương cho thí điểm sản xuất, xuất khẩu điện gió ngoài khơi tại Kết luật số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.

Do đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn xem xét giao ngay cho các đơn vị để triển khai. Đối với các vướng mắc pháp lý như quy định về sản lượng, chuyển giá, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào các dự án luật.

Phát triển điện khí là chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và bảo đảm đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu.

Đồng thời, đây là nguồn dự phòng khi tỉ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, bảo đảm ổn định cung cấp điện cho hệ thống. Trong khi đó, điện gió ngoài khơi, được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài 3.260km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512.000MW.

Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất đặt các nguồn điện đến năm 2030 là 150.489MW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80.000MW). Trong đó, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424MW) và điện gió ngoài khơi (6.000MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.

Thanh An