Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất 6 kiến nghị đối với ngành Hải quan
Ngày 10/9/2024, Tạp chí Hải quan và Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan phối hợp tổ chức Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp 2024, với Chủ đề “10 năm phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp”.
Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024 thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu đến từ các bộ, ngành, đại sứ quán các nước tại Việt Nam; các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các doanh nghiệp.
Qua 10 năm (2014-2024) đẩy mạnh thực hiện, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là chặng đường một cơ quan quản lý thay đổi tư duy và hành động. Nhiều kinh nghiệm quý đã thu được, nhiều khó khăn đã trải qua được minh chứng rõ nét trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành Hải quan.
Là doanh nhân có nhiều gắn bó với công tác Hải quan, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) được Tổng cục Hải quan vinh danh trong thực hiện quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp tại Diễn đàn.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 10 năm qua, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, không ngừng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô. Ngành Hải quan cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tiến các quy trình hỗ trợ doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ quốc tế bao gồm: chuyển đổi số, hải quan thông minh và đơn giản hóa thủ tục… Điều này đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu những sai sót, mang lại sự an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Để tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng nêu trên, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị, đề xuất cơ quan Hải quan 6 nội dung quan trọng. Thứ nhất, cơ quan Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để có thể bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Thứ hai, cần đơn giản hóa thêm thủ tục, mặc dù thời gian qua các thủ tục đã được đơn giản hóa đáng kể, nhưng vẫn còn phức tạp đối với một số loại hàng hóa đặc thù, như hàng công nghệ cao hoặc hàng hóa song dụng. Việc chuẩn hóa thủ tục sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ ba, cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại nhằm đảm bảo mọi hoạt động xuất nhập khẩu tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật, giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định. Thứ tư, cần tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI). Thứ năm, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thông quan thực hiện thêm các chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho các SMEs, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin. Thứ sáu, nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan.
“Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng đóng góp ý kiến và đề xuất nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự năng động, nhạy bén và tinh thần chuyên nghiệp của mình, lãnh đạo Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu trong cả nước về công tác cải cách và hiện đại hóa", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng kỳ vọng, ngành Hải quan sẽ không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia mà còn sánh ngang với các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế và hiệu quả của ngành trong nền kinh tế toàn cầu.