Quản trị lao động đa thế hệ: Nếu biết lắng nghe...
Vấn đề khoảng cách tuổi tác giữa những người lao động trong cùng một tổ chức vốn luôn tồn tại. Vậy tại sao thời gian gần đây cụm từ “lao động đa thế hệ” lại trở thành đề tài được nhiều nhà lãnh đạo quan tâm?
Nhóm lao động trẻ: Xu thế phát triển của xã hội
Gen Z là thuật ngữ được tìm kiếm nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian gần đây. Bởi đây không phải chỉ đơn thuần là từ nói về một thế hệ trẻ tuổi, nhiều tiềm năng với sức sáng tạo đáng nể. Gen Z phản ánh rõ nét sự khác biệt trong lối sống, khẳng định một nét rất riêng của những con người dám thẳng thắn đưa ra yêu cầu về môi trường sống, môi trường làm việc để khai thác khả năng bản thân.
Khi “Generation Z” chính thức bước vào nhóm tuổi lao động, những nhà làm kinh doanh, nhà xã hội học đặc biệt quan tâm đến một số thông tin chủ đạo về thế hệ này - là thế hệ đầu tiên lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, tự tin, linh hoạt và sáng tạo, ưa thích sự đa dạng, đưa ra yêu cầu về môi trường lao động tự do và hỗ trợ… để tìm ra “thế cân bằng” cho việc quản trị lao động đa thế hệ khi quan điểm, thói quen và nhu cầu giữa các thế hệ quá khác biệt.
Khác với nhóm người lao động thuộc thế hệ Gen Y và càng khác với nhóm người lao động thuộc thế hệ Gen X, Baby Boomers - người lao động ở thế hệ Gen Z tiếp cận môi trường làm việc chủ động hơn, tự tin hơn nên dám đưa ra những “đàm phán” mà những thế hệ trước chưa từng làm, hoặc nếu có thì chỉ là một vài trường hợp cá biệt.
Nếu nhìn theo chiều hướng tiêu cực hoặc có chút khắt khe, sẽ thấy đây là những “đòi hỏi” có phần quá đáng từ những người lao động trẻ tuổi. Thậm chí sẽ đánh giá Gen Z “ảo tưởng” về năng lực bản thân nên đưa ra những yêu cầu vượt hơn mức các bạn ấy đã hoặc có thể tạo ra.
Ngược lại, khi cởi mở góc nhìn, hiểu về xu hướng phát triển của Gen Z từ môi trường gia đình đến môi trường học tập, lại thấy rằng, các bạn hiểu rất rõ về bản thân. Chính vì biết mình cần gì sẽ cảm thấy thoải mái trong môi trường như thế nào nên họ dám thẳng thắn chia sẻ. Đó không hẳn là đòi hỏi. Đó là sự trao đổi để hai bên có cơ hội khai thác tiềm năng của nhau.
Và từ nhóm lao động trẻ tuổi này, có thể thấy đây không còn là thời kỳ của việc phân tầng “chủ - tớ” nữa. Người lao động và chủ doanh nghiệp được hiểu là cộng sự, bổ trợ cho nhau bằng khả năng riêng của mỗi người và cùng nhau chinh phục thử thách.
Những thách thức đối với cấp quản lý…
Thách thức nhất là khi cấp quản lý thuộc nhóm Baby Boomers hoặc Gen X - là thế hệ lớn lên với truyền thống, nền nếp và cả những định kiến của xã hội. Lúc này, cả cấp quản lý với nhóm lao động Gen Z và trong nội bộ nhóm lao động sẽ đối diện với khó khăn khi giao tiếp. Phong cách giao tiếp và cách tiếp nhận thông tin giữa các thế hệ có sự khác biệt đáng kể. Một nhóm sẽ thích giao tiếp trực tiếp, ngôn ngữ thể hiện sự lịch thiệp, đôi khi khá văn hoa, một nhóm sẽ có xu hướng muốn sử dụng công nghệ để giao tiếp, ngôn ngữ ngắn gọn, thẳng thắn nên đôi khi bị hiểu khó đón nhận. Chỉ một ví dụ đơn giản như thế, có thể thấy nguy cơ xảy ra hiểu lầm rất cao. Cũng có nghĩa, người quản lý đối diện với thách thức trong việc truyền đạt thông điệp hiệu quả.
Kỳ vọng về quy trình làm việc, đánh giá hiệu suất của nhân viên sẽ khác nhau khi họ thuộc những thế hệ khác nhau. Như thế cũng có nghĩa, mỗi thế hệ có mong đợi về lợi ích kinh tế, cơ hội thăng tiến rất khác nhau. Nếu cấp quản lý không linh hoạt đủ trong vấn đề này thì rất khó đáp ứng được mong muốn của người lao động. Và đây là thách thức rất lớn, bởi còn liên quan đến quy trình quản trị chung.
… Nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội
Không thể phủ nhận những thử thách, khó khăn mà chủ doanh nghiệp, các cấp quản lý phải đối diện trong việc tạo ra môi trường làm việc hài hòa khi tổ chức có lao động thuộc nhiều thế hệ. Tuy nhiên, đi đôi với những thách thức ấy là cơ hội lớn, mà khi nhìn thấu và tận dụng tối đa, cấp quản lý có thể phát triển doanh nghiệp nhanh chóng và vững vàng.
Cơ hội đầu tiên có thể nhìn thấy đó là sự đa dạng về độ tuổi đồng nghĩa với nhiều quan điểm và kinh nghiệm khác nhau. Mỗi thế hệ đem theo một cách nhìn riêng giúp tối ưu hóa công việc chung. Thế nên, nếu biết cách lắng nghe, lựa chọn những ý kiến đa dạng này, người quản lý rất có thể tạo nên sự đổi mới đầy sáng tạo cho doanh nghiệp của mình.
Cũng như thế, mỗi thế hệ có quan điểm và kỹ năng riêng. Nếu biết cách kết hợp sự đa dạng này, người quản lý đưa ra hướng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong tổ chức và tiến tới việc tạo ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với đại đa số người lao động. Từ đây, vô hình trung, người quản lý đã tạo ra được môi trường làm việc rất thú vị - dựa vào sự tương tác mà người lao động học hỏi, lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm của nhau.
Đó cũng là lúc nội bộ của doanh nghiệp hình thành nên mối quan hệ độc đáo giữa các thế hệ lao động. Người lớn tuổi học hỏi người trẻ về công nghệ, người trẻ tuổi học hỏi người lớn kinh nghiệm làm nghề và cả kinh nghiệm sống. Họ nương tựa và hỗ trợ tình cảm cho nhau, tinh thần đồng đội được củng cố và phát triển theo hướng vững bền.
Thế nên, lao động đa thế hệ đúng là tiềm ẩn nhiều thách thức, tuy nhiên, nếu áp dụng cách quản trị nhân sự linh hoạt, thể hiện hết tinh thần tôn trọng trong quá trình đàm phán để tạo nên sự cân bằng chung, người quản lý có thể giải quyết vấn đề khác biệt thế hệ giữa những người lao động và tạo ra môi trường làm việc tích cực.
Gen X và Baby Boomers là hai nhóm có những thói quen riêng. Và với thói quen vốn có, rất có thể sẽ tạo ra sự hiểu lầm về năng lực, tính cách của đồng nghiệp thuộc thế hệ Gen Z, vô tình tạo nên môi trường làm việc căng thẳng. Đây lại là thách thức cho cấp quản lý về mức độ công bằng trước tất cả người lao động thuộc tổ chức. Nếu không khéo léo trong vấn đề này, nguy cơ người quản lý sẽ bị đánh giá là phân biệt đối xử và lâu dài sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu đến tinh thần đồng đội.
(*) CEO Tập đoàn Hành trình Kim Cương