Thời sự

Rà soát áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với đường mía

Nguyễn An 11/09/2024 - 10:16

Ngày 10/9, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

Trước đó, ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1989⁄QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Theo khoản 1 Điều 58 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.

Hiện Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được hồ sơ rà soát của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước yêu cầu rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.

1001-13.2.jpg
Bộ Công Thương quyết định rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía

Do đó, trên cơ sở xem xét hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, ngày 6/9/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2386/QĐ-BCT về rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: AR01.AC02.AD13-AS01).

Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 37/2019/TT-BCT và gửi tới Cơ quan điều tra thông qua Hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến tại địa chỉ https://online.trav.gov.vn trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định tiến hành rà soát có hiệu lực. Đồng thời, Đơn đăng ký bên liên quan có thể được gửi tới Cơ quan điều tra qua đường bưu điện hoặc thư điện tử.

Từ năm 2021, sau khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể. Đáng chú ý, giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), từ 0,85-0,9 triệu đồng/tấn năm 2020, hiện nay đã lên mức 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn mía.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mức giá này đã tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực (so với giá mía niên vụ 2023/24 của Thái Lan là 38,9 USD/tấn, tương đương 935.000 đồng/tấn, giá mua mía của ngành đường Việt Nam là 1.267.993 đồng/tấn, cao hơn 35%). Nhờ đó, diện tích trồng mía gia tăng, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây. Sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2023/2024 đạt 11.204.789 tấn, tăng 17,9% so với vụ 2022/2023.

Niên vụ 2023-2024 cũng cho thấy sự chuyển dịch lớn trong sản xuất mía đường. Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã có mức tăng trưởng ngoạn mục, tăng 96% so với niên vụ 2020/21. Khu vực này với 62% sản lượng đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước.

Về mặt thị trường, giá đường của các nhà máy trong nước bán ra đã thấp hơn so với các nước. Cụ thể , giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam. Như vậy trong vụ ép 2023/24, ngành đường Việt Nam đã cho thấy năng lực cạnh tranh thực sự khi tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.

Nguyễn An