Trò chuyện doanh nhân

Ông Nguyễn Viết Hồng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ VINA (Vina CHG): “Thật” là văn hóa kinh doanh

Lữ Ý Nhi 11/09/2024 9:00

“Hàng giả tràn lan không chỉ gây nhiều tổn hại cho người dùng mà còn khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá, bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu, thậm chí có thể bị phá sản”. Cứ ngỡ, đây là nỗi lo của doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả nhưng lại là trăn trở của Tổng giám đốc Vina CHG Nguyễn Viết Hồng - người đã bền bỉ nỗ lực suốt 20 năm qua để tìm tòi nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, ứng dụng công nghệ số chống hàng giả, bảo vệ nhà sản xuất chân chính và người dùng.

lsn_0503-copy.jpg

Tôi gặp Tổng giám đốc Nguyễn Viết Hồng vào ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Công việc bận rộn hàng ngày được gác lại, có thời gian rảnh rỗi nên cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng lan man hết chuyện này sang chuyện khác. Nhưng có một chuyện nói mãi cũng không hết và hễ “đụng” tới là vị Tổng giám đốc như được tiếp lửa nghề, đó là chống hàng giả. Tôi hỏi đùa: “Đến bao giờ ông mới “chán” và thôi làm công việc này?”, ông nói:

- Cách đây gần 20 năm, khi tôi thành lập Vina CHG để cung cấp giải pháp chống hàng giả, nhiều người không tin và nói vấn nạn hàng giả rất phức tạp, rất khó khăn, làm thế nào một mình Vina CHG làm nổi? Thế nhưng, tôi vẫn tin vào con đường mình đã chọn và đam mê, nỗ lực học hỏi không ngừng. Vừa làm, vừa học, cứ ngã, cứ thất bại lại tự đứng lên, làm tiếp.

Tôi luôn tự nhủ: “Đừng cố gắng trở thành công ty thành công mà hãy trở thành công ty có giá trị”. Và gần 20 năm qua đi, tôi đã chứng minh được giá trị mình làm. Một công việc có giá trị và có ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và cho người dùng thì sẽ không bao giờ cảm thấy chán. Hễ xã hội còn người làm hàng giả thì tôi còn đam mê, còn tiếp tục làm công việc của mình.

2(1).jpg

* Giá trị mà Vina CHG đã làm được cụ thể là gì, thưa ông?

- Gần 20 năm tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả, phải nói rằng, đây là cuộc chiến rất khốc liệt, không hề đơn giản, rất nhiều khó khăn và gần như phải “chạy đua” với các đối tượng làm giả, làm nhái trên thị trường. Thị trường vàng thau, thật giả lẫn lộn nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa có ý thức xác lập quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu cũng như ý thức mạnh mẽ việc chống hàng giả bảo vệ thương hiệu, công việc chống hàng giả, vì thế vẫn chưa nhận được sự quan tâm và quyết tâm của nhiều doanh nghiệp. Phía người tiêu dùng cũng không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và không được bảo vệ quyền lợi khi mua phải hàng giả, hàng nhái.

Hay như trong công tác đi điều tra hàng giả, có những lúc Vina CHG phải điều tra hơn một năm trời mới phát hiện được nơi làm giả. Nhiều thách thức, khó khăn nên trong ba năm đầu, Vina CHG hầu như lỗ và lỗ, doanh thu không đủ bù vào các khoản chi. Nhiều lúc tôi nghĩ đến bỏ cuộc, xoay chuyển nghề khác nhưng nhìn vào thị trường hàng giả tràn lan, nhu cầu của các DN trong và ngoài nước cần có giải pháp chống hàng giả để bảo vệ thương hiệu đang trở nên bức thiết nên tôi lại “máu nghề” và lại quyết tâm làm.

Với nỗ lực và đam mê với nghề, đến giờ này Vina CHG đã góp phần làm cho mỗi ngày hàng giả càng ít đi, người dùng mua được hàng thật nhiều hơn, doanh nghiệp cũng ý thức hơn việc bảo vệ thương hiệu. Có nhiều công ty ở nước ngoài có số lượng hàng giả trên thị trường chiếm khoảng 30-40% nhưng khi hợp tác với Vina CHG thì sau 3 năm hàng giả của họ giảm xuống còn khoảng 10%.

* Chống hàng giả đồng nghĩa với việc sẽ bị người làm hàng gỉa thù ghét, ông ngại không và có nản lòng? Nhắn gửi một triết lý cảnh báo cho những người làm hàng giả, ông sẽ nói điều gì?

- Trong công cuộc chống hàng giả ngày càng tinh vi, có quá nhiều phức tạp nên có lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ, nếu mình cứ cố gắng ngăn chặn, làm thay đổi cách làm ăn xấu, cứ mỗi ngày thêm một DN làm hàng giả thay đổi tư duy, quay sang làm hàng tốt, hàng thật một cách đàng hoàng, tử tế thì xã hội sẽ có nhiều DN làm ăn chân chính, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ không chỉ là đội ngũ mạnh mà còn có tầm vì luôn tin vào chính mình, luôn ngẩng cao đầu tự tin vì việc kinh doanh của mình có đạo đức, nhân văn, có tâm, có tầm và mang lại giá trị cho xã hội.

Để nhắn nhủ với các DN làm hàng giả, tôi mượn triết lý nhân quả của nhà Phật: “Nếu ai đó chỉ ngồi nghĩ cách làm ra những sản phẩm giả mạo, chất lượng kém và độc hại cho người tiêu dùng thì chắc chắn cuộc đời của họ cũng sẽ bị trả giá. Luật nhân quả sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành vi xấu xa”.

* Có thể hiểu, chữ “Thật” trong kinh doanh chính là kim chỉ nam cho văn hóa kinh doanh phải vậy không, thưa ông?

- Khi mình nói đến chữ Thật có nghĩa là hành động của mình sẽ phải thật, kéo theo sản phẩm mình làm ra cũng phải thật. Và khi cái thật đó được đưa ra thị trường thì mới được xã hội ủng hộ, mọi người ủng hộ. Vậy, thật chính là văn hóa kinh doanh. Đặc biệt, xã hội ngày càng nhiều người có mong cầu được dùng những sản phẩm Thật, những giá trị thật nên văn hóa và đạo đức của người làm kinh doanh càng được xem trọng. Người kinh doanh chân chính cũng mong cầu có những giải pháp để bảo vệ cho sản phẩm hàng hóa thật của họ nên Vina CHG cũng phải làm sao có nhiều sản phẩm mang lại giá trị thật để đáp ứng được mong cầu chính đáng đó.

3.jpg

* Vina CHG vừa được vinh danh là Doanh nghiệp xanh TP.HCM 2024, xin chúc mừng ông. Sắp tới, Vina CHG sẽ làm gì để thực hiện tiếp sứ mệnh của mình?

- Với “hệ sinh thái” bao gồm 5 gói giải pháp: Tem chống hàng giả công nghệ cao, đảm bảo pháp lý, phần mềm chống hàng giả Vinacheck, bao bì chống hàng giả, hỗ trợ kết nối điều tra, xử lý hàng giả và truyền thông chống hàng giả, gần 20 năm qua, các giải pháp này của Vina CHG đã giúp hạn chế vấn nạn hàng giả, bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất và có được niềm tin của người tiêu dùng. Vina CHG cũng giúp doanh nghiệp (DN) và các cơ quan Quản lý Nhà nước, lực lượng quản lý thị trường điều tra, xử lý nhiều vụ hàng giả, hàng nhái, bảo vệ hiệu quả cho DN và người tiêu dùng.

Với những gì làm được, tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Vina CHG tuy là một doanh nghiệp nhỏ nhưng chúng tôi lại mang lại giá trị cho nhiều DN và tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Và khi thị trường còn nhiều hàng giả và công việc ngăn chặn, phát hiện hàng giả còn nhiều khó khăn, phức tạp thì Vina CHG vẫn phải nỗ lực thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt áp dụng các tiêu chí xanh trong sản xuất kinh doanh để đưa ra các giải pháp phần mềm vừa ứng dụng chuyển đổi số, tiếp tục hỗ trợ DN quản lý toàn diện như: Quản lý kho, định danh sản phẩm, quản lý kênh phân phối, chống lấn tuyến lấn vùng và vừa bảo vệ môi trường.

* Về câu chuyện “doanh nghiệp xanh”. Theo ông, công nghệ xanh, sản xuất xanh đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện là đang chạy theo xu hướng để không “bị” gọi là tụt hậu, nói rõ hơn đó chỉ là bề nổi hình thức hay thực sự DN đã nhận ra giá trị thực mà nó mang lại?

- Tháng 11/2021 tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết cùng với 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Vì thế, phát triển công nghiệp xanh là hành động nhằm hướng đến mục tiêu Net zero carbon.

Hiện, công nghệ xanh, sản xuất xanh vừa là xu hướng vừa là nhận thức của nhiều DN và họ cũng đang nỗ lực thực hiện bởi rất nhiều giá trị mang lại như góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra giá trị kinh tế bền vững, giảm thiểu phát thải ra môi trường, tiết kiệm năng lượng và quản lý chất thải hiệu quả. Bên cạnh đó, DN xanh cũng giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, từ đó tăng cường hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, sản xuất xanh, công nghệ xanh cũng giúp DN xây dựng được uy tín và thương hiệu mạnh mẽ, thu hút khách hàng và đối tác có cùng giá trị bền vững.

* Nhưng muốn kịp xu hướng hiện nay thì DN đã phải chuẩn bị trước đó nhiều năm. Liệu bây giờ nhiều DN mới bắt đầu thực hiện thì có trễ? Chưa kể, thách thức để DN chuyển đổi xanh cũng không ít. Giải bài toán khó này theo ông sẽ phải làm thế nào?

- Việc phát triển công nghiệp xanh dù đi sau hay trước, dù trễ hay sớm cũng vẫn cần phải làm. Theo cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính , Việt Nam sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 nên các DN có tầm nhìn sẽ không thể không làm.

Cách đây 10 năm, nhìn thấy giá trị của kinh tế xanh, sản xuất xanh nên tôi đã có kế hoạch, nguồn quỹ, chuẩn bị kinh phí đầu tư máy móc và có lộ trình bám sát kế hoạch này. Cụ thể, từ năm 2018, chúng tôi đã tìm đất để làm cơ sở hạ tầng phát triển xanh, mở rộng nhà xưởng. Tiếp theo là thuê tư vấn xây nhà máy theo tiêu chuẩn xanh. Ngay cả những năm Covid-19 nhiều DN ngừng kinh doanh, đóng cửa nhà máy thì Vina CHG vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy và kiên trì thực hiện kế hoạch nên bây giờ chúng tôi mới có được nhà máy xanh, công ty xanh, môi trường xanh, sản phẩm xanh. Giải thưởng Doanh nghiệp xanh TP.HCM hai năm liền mà Vina CHG được UBND TP.HCM trao tặng cũng chính là trái ngọt cho tầm nhìn và hành trình hơn 10 năm nỗ lực thực hiện mục tiêu “xanh” của chúng tôi.

Tuy nhiên, đây cũng là hành trình mà Vina CHG và các doanh nghiệp phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, quy trình sản xuất sạch thường cao hơn so với các công nghệ truyền thống nên tạo ra nhiều rủi ro. Chi phí vận hành và bảo trì của các công nghệ xanh cũng cao hơn do tính phức tạp và yêu cầu kỹ thuật. Thiếu công nghệ tiên tiến và khả năng tiếp cận các công nghệ cũng là một thách thức rất lớn trong thời kì hội nhập kinh tế toàn cầu.

Chính sách và quy định về sản xuất xanh cũng chưa đồng bộ và nhất quán, chưa kể việc thiếu các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và các khung pháp lý rõ ràng, nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ xanh và quản lý môi trường cũng còn thiếu.

Để giải bài toán này, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích như ưu đãi thuế, giảm thuế, miễn thuế hoặc khấu trừ thuế cho các DN đầu tư vào công nghệ xanh và thực hiện các thực hành bền vững.

Bên cạnh đó, cần có các khoản vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ cho DN đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất bền vững. Phát triển các cơ chế đánh giá và chứng nhận cho các DN xanh. Các chứng nhận như ISO 14001 (Quản lý môi trường) hay LEED (Lãnh đạo trong thiết kế năng lượng và môi trường) giúp DN xây dựng được uy tín và được thị trường công nhận, tạo điều kiện cho đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, cung cấp các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ mới, từ công nghệ tiết kiệm năng lượng đến quy trình sản xuất ít phát thải, hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ công nghệ, kiến thức và nguồn lực.

hinh-sep-hong-trong-nha-in.jpg

* Xin phép hỏi ông vài câu riêng tư. Tôi được nghe động lực để ông bước vào con đường kinh doanh xuất phát từ sự “tự ái” và muốn khẳng định mình, câu chuyện đó thế nào, ông có thể kể lại như một bài học cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp?

- Năm 1992, tôi từ quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh vào Bình Phước khởi nghiệp. Trên đường đi không may bị tai nạn, xe lật tại đèo Cả. Tôi là người duy nhất may mắn sống sót trong số gần 60 hành khách cùng bị nạn. Sau thời gian điều trị, tôi bình phục và tiếp tục về Bình Phước đi làm thuê đào đất, cuốc cỏ cao su cho các chủ trang trại cao su. Thấy tôi nhỏ bé, lại xanh xao gầy yếu, (sau tai nạn ốm nhom, nặng chỉ 35kg lại thêm bệnh hen suyễn), một chủ trang trại cao su tỏ ra khi dễ và nói tôi sẽ chẳng làm được gì. Tự ái và quyết tâm phải chứng tỏ được mình, tôi rời Bình Phước xuống TP.HCM lập nghiệp. Thời điểm đó là năm 1994, tôi mới 22 tuổi.

Để tiếp tục kiếm sống và học tập tại Thành phố, tôi đã trải qua đủ mọi nghề, đủ công việc nặng nhọc như phụ hồ, chạy bàn, sửa xe, rửa xe, cuốc đất, đào cỏ… Sau khi tốt nghiệp, tôi vừa đi làm vừa đi dạy, vừa cộng tác cho các tờ báo. Chính những ngày tháng này đã giúp tôi tích luỹ được nhiều kiến thức, mối quan hệ…

Năm 1996, với số vốn chắt chiu, tôi quay lại Bình Phước mua đất để làm trang trại trồng cao su. Đến năm 2002, tôi mở công ty xăng dầu. Nói thật, mục đích trở về Bình Phước của tôi chỉ là để chứng minh cho lời nói năm xưa của người chủ trang trại cao su. Với mục tiêu chỉ vì để chứng tỏ cá nhân, háo thắng danh dự, chưa có kinh nghiệm thương trường, am hiểu lĩnh vực kinh doanh và quản lý điều hành công ty nên công ty xăng dầu thất bại. Năm 2004, tôi bán công ty và lại quay về TP.HCM với 2 bàn tay trắng và tiếp tục đi làm thuê.

* Năm 2006, khi Thương mại điện tử tại Việt Nam còn sơ khai, vì sao ông lại chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp, đó là ngẫu hứng, làm theo kiểu may rủi hay là tầm nhìn?

- Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi cũng có quan sát, tìm hiểu xem ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ là xu hướng tương lai. Tuy nhiên, gọi là tầm nhìn lúc đó thì to tát quá vì tôi chỉ làm theo cảm nhận và đánh giá. Nói chung là tìm cơ hội và nắm bắt nó. Cũng tính đến yếu tố may rủi trong kinh doanh. Vì vậy, khi thương mại điện tử còn sơ khai, tôi cùng một số bạn bè lập nên trang mua sắm trực tuyến “Thị trường Việt” với tên miền “thitruongviet.com”. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, sàn giao dịch này phải đóng cửa và phá sản.

Lại trắng tay, lại tìm đường “đi cày”. Tôi làm cộng tác cho một số tờ báo viết về mảng thương mại. Lăn lộn với nghề báo một thời gian, tiếp xúc nhiều DN, nhận thấy hầu như các DN nào cũng ưu tư, lo lắng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tới thương hiệu và sức khỏe của người tiêu dùng. Các thương hiệu chỉ cần hơi nổi tiếng là bị sao chép, làm giả sản phẩm gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, doanh thu. Nghĩ đây cũng là con đường đi khác, lại là nhu cầu lớn, nếu làm được và thành công thì sứ mệnh cũng cao cả và có ích nên năm 2008, tôi sáng lập Công ty Vina CHG với sứ mệnh “Bảo vệ giá trị thực”, đưa ra các giải pháp chống hàng giả ứng dụng khoa học công nghệ cao với đầy đủ tính pháp lý được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận.

Song, hành trình này cũng vô cùng gian truân, nếm đủ cả vui, buồn, thất bại, nước mắt, thành công và hạnh phúc. Nhưng đó là con đường đi đúng nên đến nay nó vẫn là công việc tôi còn đam mê và cháy bỏng.

4.jpg

* Ông quan niệm thế nào về kế thừa khi được biết, các con ông đang có kế hoạch kinh doanh riêng, không đi theo con đường kế nghiệp của ông?

- Quan niệm của tôi là con cái có phúc phần của nó và tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con. Việc kế nghiệp không nhất thiết phải là điều bắt buộc. Nếu các con tôi không cảm thấy đam mê hay có định hướng phát triển riêng, tôi hoàn toàn ủng hộ. Điều quan trọng nhất là chúng được tự do theo đuổi ước mơ và tạo dựng sự nghiệp mà chúng thực sự yêu thích. Với Công ty Vina CHG, tôi sẽ hướng đến phát triển thành công ty đại chúng, để công ty lớn mạnh tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và vươn tầm quốc tế.

* Sắp đến ngày kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có suy nghĩ gì về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân trong thời kỳ hiện nay? Những trăn trở, đề xuất và nguyện vọng của ông để đội ngũ doanh nhân việt nam thật sự lớn mạnh và phát huy vai trò của mình đối với đất nước, cộng đồng và thế hệ sau ?

- Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong thời kì hội nhập kinh tế toàn cầu và cho nền kinh tế nước nhà. Để doanh nhân Việt Nam thật sự lớn mạnh, chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn, quyết tâm hơn, bản lĩnh vững vàng. Đặc biệt, trong thời đại số hóa, doanh nhân cần có sự nhạy bén với chuyển đổi số, trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng để tiếp cận với môi trường số của doanh nhân toàn cầu, trở thành hệ sinh thái trong của chuỗi liên kết của doanh nhân Việt Nam, góp phần cho nền kinh tế của đất nước Việt Nam giàu mạnh, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, DN Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi tính cạnh tranh ngày càng cao, rất khốc liệt. Do đó, DN rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước qua các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cần nguồn vốn, công nghệ để, đầu tư, phát triển đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Điều này không chỉ giúp kinh tế phát triển mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ DN toàn cầu.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này.

hinh-sep-hong-nhan-cup_chung-nhan.jpg

Tâm thế ngày doanh nhân Việt Nam bước vào tuổi 20 (tính từ ngày doanh nhân Việt Nam được công nhận và vinh danh - ngày 13/10/2004)

Tuổi 20 là thời điểm của sự nhiệt huyết, sáng tạo và đầy năng lượng. Tin rằng, đây là giai đoạn doanh nhân cần dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với thách thức. Thế hệ doanh nhân trẻ cần không ngừng học hỏi, mạnh dạn đón nhận những xu hướng mới, đặc biệt là về công nghệ và chuyển đổi số.

Hãy luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu, đặt mục tiêu cao, không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng và đất nước. Tương lai của doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuộc về những người có tầm nhìn và khát khao cống hiến, vươn tầm quốc tế.

Lữ Ý Nhi