Doanh nhân xưa

Doanh nhân Hồ Tá Bang: Một trụ cột của phong trào Duy Tân và luôn tìm hướng mở rộng thị trường

Thanh An (Tổng hợp) 13/09/2024 10:00

Là một trong 6 người sáng lập Công ty Nước mắm Liên Thành, doanh nhân Hồ Tá Bang là một trong những nhân vật trụ cột đã phát triển phong trào Duy Tân ở Bình Thuận đầu thế kỷ XX cũng như củng cố thương hiệu nước mắm Liên Thành trong những năm sau đó.

Kỳ 2: Trụ cột của Liên Thành Thương quán

Không chỉ là một nhà vận động Duy tân nổi bật tại Bình Thuận, Hồ Tá Bang còn là một nhà kinh doanh có tài kinh thương mong muốn được chấn hưng thực nghiệp cho người Việt. Chính vì vậy, ngày 6/6/1906, Hồ Tá Bang cùng các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng quyết định mở công ty nước mắm với tên gọi Liên Thành Thương quán.

Liên Thành Thương quán hay còn gọi là Công ty Nước mắm Liên Thành thành lập năm 1906 với mục đích làm cơ sở kinh tài và là nơi liên lạc hợp pháp cho các nhà yêu nước. Cái tên “Liên Thành” tức “Thành hoa sen”, là tên cũ của Bình Thuận được chọn để thể hiện lòng tự hào với miền đất Nam Trung bộ, biểu tượng con voi đỏ thể hiện mong muốn thức tỉnh dân tộc vừa bằng tập tính bầy đàn, vừa bằng sức mạnh của loài voi.

6-nha-sang-lap-cua-lien-thanh-thuong-quan.jpg

Sản phẩm chủ yếu của Liên Thành Thương quán là nước mắm bởi làm nước mắm, cá khô là nghề chính và lâu đời của người dân ven biển Bình Thuận, dù còn nhỏ lẻ và hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, việc mở công ty là một khái niệm xa lạ với người Bình Thuận vào đầu thế kỷ XX, do đó, trong quá trình huy động vốn mở Công ty Nước mắm Liên Thành, các thành viên của Hội Liên Thành phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trước những trở ngại đó, Hồ Tá Bang đã cậy nhờ sự giúp đỡ từ anh em vợ là ông Huỳnh Văn Đẩu (tên thường gọi Ba Đẩu), Huỳnh Văn Ngô (Mười Ngô) và một phú hộ lớn ở Phan Thiết lúc bấy giờ là Trần Gia Hòa (Bát Xì) góp vốn.

Với vai trò là viên chức tòa sứ, Hồ Tá Bang và Nguyễn Hiệt Chi đã tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền và Công sứ Garnier để khuyến khích người dân Bình Thuận cùng nhau hùn vốn vào Công ty. Vào ngày mở Công ty, ông Nguyễn Trọng Lội được cử giữ chức Tổng lý để quán xuyến mọi công việc và tiến hành sắp đặt nhân sự. Còn các ông Trần Lệ Chất, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng do là viên chức nên được chỉ định phụ trách việc thiết đặt mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Trụ sở ban đầu của Công ty Nước mắm Liên Thành đặt tại khu đất của gia đình Bố chánh Trà Quý Bình - thông gia với cụ Nguyễn Thông, gần bãi Cồn Chà, phường Đức Thắng, Phan Thiết. Năm 1908, Công ty mua thêm trụ sở của hiệu nhuộm Luân Phong gần cầu Phan Thiết (cầu Lê Hồng Phong ngày nay) để lập trụ sở chính. Ban đầu, những người quản lý Công ty Nước mắm Liên Thành đã cho mở quầy buôn bán tạp hóa, vải lụa, thuốc bắc gần chợ Phan Thiết để cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều đang kinh doanh rất mạnh các mặt hàng này.

Cơ chế hoạt động của Công ty Nước mắm Liên Thành khá tiến bộ với điều lệ, sổ sách kế toán rành mạch và phải tường trình cho Công sứ Pháp kiểm tra, việc phân công, phân nhiệm từng người cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, Công ty Nước mắm Liên Thành không được người Pháp ưa nên tìm nhiều cách khống chế. Chính quyền thực dân đã có lần tổ chức khám xét đột xuất trụ sở của Hội Liên Thành, tịch thu sổ sách và bắt giam Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, nhưng rồi phải trả tự do cho ba người vì không có chứng cứ rõ ràng về “hoạt động chính trị”.

Năm 1910, Công ty Nước mắm Liên Thành tổ chức mua cá, mở các xưởng sản xuất nước mắm tại Mũi Né, Hưng Long, Phan Rí… Nước mắm của Công ty còn được chở bằng ghe thuyền vào Sài Gòn, Chợ Lớn để bán.

Đầu năm 1911, sau khi Nguyễn Trọng Lội qua đời, Hồ Tá Bang xin nghỉ việc ở Tòa sứ để tập trung vào việc kinh doanh và giữ chức Tổng lý (tháng 7/1911) thay ông Nguyễn Trọng Lội. Với lòng nhiệt thành, tài thực hành và tổ chức, Hồ Tá Bang đã lèo lái Liên Thành vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển với nhiều cơ sở mới ở Mũi Né, Phú Hài, Hưng Long, Phan Rí (năm 1915) và cơ sở tại Hội An (1916).

Cũng trong năm 1911, do nhu cầu phát triển Công ty nên các lãnh đạo của Liên Thành đã rời Bình Thuận vào Chợ Lớn để quản lý, điều hành Phân cuộc Liên Thành tại căn nhà số 1/2/3, đường Quai Testard (nay là đường Châu Văn Liêm). Đến năm 1917, Công ty Liên Thành chính thức dời trụ sở từ Bình Thuận vào Chợ Lớn để tránh sự kiềm chế của chính quyền thực dân tại Bình Thuận.

Thời điểm ấy, Nguyễn Quý Anh được ủy thác toàn quyền việc sắp xếp lại Công ty theo chế độ mới ở Nam kỳ thuộc địa, còn Hồ Tá Bang chuyển sang giữ chức Tổng thủ bổn quản lý tiền bạc, tài sản của Liên Thành. Đến đại hội thường niên năm 1921, Hồ Tá Bang lại được chọn cử làm Tổng trưởng Hội đồng quản trị cho đến năm 1936 khi Nguyễn Quý Anh ở Pháp về.

Do đảm nhiệm nhiều vị trí tại Công ty Liên Thành, Hồ Tá Bang thường phải giao thiệp với các cơ quan ở xứ thuộc địa Nam kỳ, trong khi ông lại là người Trung kỳ nên thường bị họ gây khó dễ, không công nhận thẻ căn cước do các nhà chức trách Trung kỳ cấp. Để công việc được thuận lợi, cũng như để khỏi mất thời giờ và các loại phí phát sinh nên Hồ Tá Bang xin lấy thẻ thuế thân tại Sài Gòn. Việc này đã gây cho ông nhiều sự phiền toái, thậm chí bị chính quyền thuộc địa nghi vấn về hoạt động chính trị.

Để đối phó với nạn nước mắm giả do tư sản Hoa kiều kinh doanh, Hồ Tá Bang đã nhờ bác sĩ Guillerm ở Viện Pasteur Sài Gòn giúp đào tạo nhân viên và hỗ trợ mở một phòng hóa nghiệm. Nhờ đó, các loại nước mắm Liên Thành đã bảo đảm được phẩm lượng và vệ sinh đúng theo luật định của chính quyền thuộc địa. Không những thế, Hồ Tá Bang còn tìm hướng mở rộng thị trường ra nước ngoài, như giới thiệu nước mắm Liên Thành tại hội chợ thuộc địa Marseille (Pháp) năm 1922 để công chúng các nước biết đến sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Ngày 12/9/1938, sau khi Nguyễn Quý Anh qua đời do bạo bệnh tại Sài Gòn, Liên Thành Thương quán không còn người quản lý nên Hồ Tá Bang lại trở vào Sài Gòn giữ chức Tổng trưởng cho đến năm 1941, khi con ông là Hồ Tá Khanh lên thay thế. Sau khi nghỉ hưu, Hồ Tá Bang trở về Phan Thiết sống đời thanh bạch, lấy việc ruộng vườn làm thú vui. Thỉnh thoảng ông còn về quê cũ ở Thừa Thiên thăm bà con chòm xóm và cùng trò chuyện với những người bạn già Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đình Phiên...

Hồ Tá Bang từ trần vào ngày 6/4/1943 tại Phan Thiết, hưởng thọ 68 tuổi, an táng tại khu đất số 13 thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay.

Thanh An (Tổng hợp)