Quốc tế

Kinh tế Úc tăng không như kỳ vọng trong quý 2/2024

Văn Phúc 09/09/2024 - 08:39

Theo dữ liệu Chính phủ Úc vừa công bố, GDP xứ chuột túi chỉ tăng 0,2% trong quý 2/2024. Lý do là chi tiêu của người dân ảm đạm.

Trước đó trong quý 1, GDP Úc cũng tăng 0,2%. Điều này phù hợp với dự đoán của nhiều chuyên gia. Hai quý tăng trưởng yếu liên tục, khiến nhiều câu hỏi được đặt ra cho Chính phủ về cách quản lý nền kinh tế.

melbournebeachmarket.com-wp-content-uploads-2018-11-_vhp_0016.jpeg
Một siêu thị ở thành phố Melbourne - Ảnh: MBM

Theo Cục Thống kê Úc, chi tiêu người dùng đã giảm như du lịch, khách sạn và vé máy bay. Quý 1 trước đó tình hình còn khả quan hơn, do có nhiều sự kiện thể thao và âm nhạc.

Cụ thể, chi tiêu hộ gia đình giảm 0,2%, đầu tư giảm 0,1% và giá xuất khẩu giảm 3%.

Với các con số này, GDP bình quân đầu người của Úc đã giảm 0,4%. Đây là quý giảm thứ 6 liên tục.

Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers giải thích, biến động toàn cầu và lãi suất cao đang ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, gây áp lực lên ngân sách và kéo giảm chi tiêu người dùng. Bình luận trên gây ra sự chỉ trích, rằng Bộ trưởng Tài chính đang đổ lỗi cho Ngân hàng Trung ương, về lý do tăng trưởng chậm.

Ngân hàng Trung ương Úc giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35% từ tháng 11/2023, sau khi tăng 13 lần từ tháng 5/2022.

Dù tăng trưởng thấp, Thống đốc Michele Bullock loại trừ khả năng làm theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - khi phát tín hiệu giảm lãi suất trong tháng 9 này. Theo bà, lạm phát vẫn quá cao để xem xét nới lỏng trong sáu tháng tới.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Úc tăng 3,5% vào tháng 7/2024, ít hơn so với mức 3,8% vào tháng 6. Bộ trưởng Chalmers lập luận, các khoản trợ cấp giúp kiềm chế giá và giảm áp lực chi phí sinh hoạt, nhưng một số nhà kinh tế nhận định, chi tiêu của liên bang và tiểu bang góp phần gây ra lạm phát.

Ông Shane Oliver, nhà kinh tế tại công ty dịch vụ tài chính AMP, đã nói với một ủy ban quốc hội vào tháng trước rằng, Chính phủ bơm tiền vào nền kinh tế khiến Ngân hàng Trung ương khó đưa lạm phát trở lại mục tiêu từ 2% đến 3%. Nền kinh tế chậm lại dưới sức nặng của lãi suất cao, nhưng công việc của Ngân hàng Trung ương sẽ dễ dàng hơn, nếu không có sự gia tăng chi tiêu Chính phủ trong vài năm qua.

Ông Stephen Wu, chuyên gia kinh tế tại Commonwealth Bank nói, chi tiêu của người dùng yếu, cộng với hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi giá thấp, nên chi tiêu Chính phủ tăng 1,4% trong quý 2/2024 đã giúp duy trì nền kinh tế.

Văn Phúc