Thời sự

Triển khai kế hoạch thực hiện công tác quản lý tín chỉ carbon

N.H 05/09/2024 - 17:20

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa triển khai kế hoạch nhằm tăng cường quản lý tín chỉ carbon, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Trọng tâm của kế hoạch là xây dựng và phát triển thị trường carbon, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về việc giảm phát thải.

Theo kế hoạch, Bộ TN&MT sẽ điều chỉnh Nghị định số 06/2022, tập trung vào quản lý và giao dịch tín chỉ carbon, bao gồm việc lập kế hoạch giảm phát thải và xây dựng hệ thống đăng ký tín chỉ.

Ngoài ra, Bộ sẽ chủ động đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế về quản lý chất thải và giảm phát thải, đồng thời khai thác triệt để tiềm năng của thị trường carbon. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về giảm phát thải, NDC (Đóng góp quốc gia tự quyết định), và khuyến khích người dân tham gia vào thị trường này.

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon

Đáng chú ý, Bộ sẽ xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế quản lý tín chỉ carbon rừng, hỗ trợ nông dân trồng lúa chất lượng cao, vừa giảm phát thải vừa tăng thu nhập. Song song đó, Bộ cũng hợp tác với Bộ Tài chính để hoàn thiện đề án phát triển thị trường carbon, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ giao Cục Biến đổi khí hậu hoàn thiện nghị định và kế hoạch giảm phát thải, phát triển thị trường carbon, xây dựng hệ thống đăng ký quản lý hoạt động tín chỉ carbon, từ đó thúc đẩy thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, thị trường carbon sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh.

Từ nay đến năm 2029, Việt Nam sẽ tập trung vào việc xây dựng khung pháp lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một thị trường carbon hiệu quả, đóng góp vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thị trường tín chỉ carbon là một công cụ quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, với giá trị thị trường ước tính đạt khoảng 850 tỷ USD vào năm 2022. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo để tạo ra tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt là trong lĩnh vực rừng. Với diện tích rừng rộng lớn, bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng, Việt Nam có thể đóng góp đáng kể vào việc hấp thụ CO2. Việt Nam đã cam kết giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, và có thể tăng lên 27% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế.

Đặc biệt, Việt Nam đã thu được 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà Việt Nam ký với Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018-2024. Tiềm năng thu nhập từ tín chỉ carbon rừng của Việt Nam có thể lên đến hàng tỷ USD trong tương lai nếu các dự án REDD+ và thị trường carbon được mở rộng. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu mới mà còn giúp bảo vệ tài nguyên rừng và hệ sinh thái.

N.H