Đề xuất thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tại TP.HCM
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa đề xuất thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM trong cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tháng 8 diễn ra vào sáng 4/9.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định, việc hình thành Trung tâm Hành chính công một cấp ở các tỉnh thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ về công tác cải cách hành chính. Đặc biệt, Nghị quyết của Chính phủ đã chọn ra 4 địa phương trong đó có TP.HCM thực hiện thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết thêm, trong thực tiễn, tại tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội đã hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và mở rộng ở cấp huyện. Tại TP.HCM, trong thí điểm thực hiện chính quyền đô thị của TP. Thủ Đức, TP.HCM cũng đã xác định cho phép TP. Thủ Đức thành lập Trung tâm hành chính công.
Đây là Trung tâm Hành chính công của TP. Thủ Đức nhưng được Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức ủy quyền thêm một số nhiệm vụ về thủ tục hành chính do Chủ tịch TP. Thủ Đức ban hành, do đó có tên là Trung tâm Hành chính công.
“Bản chất là phục vụ hành chính công, chứ không phải chỉ giải quyết hành chính công thuần túy. Riêng TP. Thủ Đức có thêm một số nhiệm vụ, khoảng 100 đầu mục, Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP. Thủ Đức được quyền ký hồ sơ”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, việc hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM một cấp, tức là toàn TP.HCM chỉ có một trung tâm phục vụ hành chính công, áp dụng hệ thống quản trị trên mạng để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính cho người dân của các cơ quan hành chính nhà nước từ Thành phố đến quận huyện và phường xã, thị trấn. Tất cả hồ sơ vào trên hệ thống đều được biết hết.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, để thực hiện được trung tâm này, trong đề án có xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy và có tham khảo ý kiến của Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở đó thống nhất lộ trình thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Hình thành Trung tâm phục vụ hành chính TP.HCM gồm chi nhánh trung tâm; 22 chi nhánh quận, huyện và TP. Thủ Đức; có khoảng 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận phường xã, thị trấn. Tức là hình thành nên toàn bộ hệ thống dựa trên hệ thống hiện nay. Trong giai đoạn 1, chi nhánh trung tâm mới khởi động để chuẩn bị hoạt động, sang giai đoạn 2 sẽ thay thế tất cả các điểm tiếp nhận của các sở.
Giai đoạn 2: Trung tâm Hành chính công ở TP.HCM có các chi nhánh trung tâm gồm 24 điểm tiếp nhận của các sở và tất cả đều tập trung về chi nhánh trung tâm tiếp nhận một cửa tại chỗ; các sở không phải tiếp nhận, không phải bố trí cán bộ tiếp nhận. Cũng trong giai đoạn 2, các quận, huyện, TP. Thủ Đức có thể xem xét thành từng nhóm, từng khu vực chứ không phải tất cả các địa phương, các điểm tiếp nhận bên dưới vẫn giữ nguyên.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, việc thực hiện trung tâm này không đơn giản, từ việc gom về, tập hợp lại để tập trung giải quyết, hay để ở dưới giải quyết tốt nhất sẽ phải tuân thủ một số nguyên tắc, quy chế tổ chức, phối hợp hành động giữa các cơ quan.
Theo đó, người dân ở đâu thì sẽ được phục vụ hành chính ở đó, đảm bảo tính gần dân, sát dân. Khi thực hiện, cũng đưa ra danh mục những nội dung thủ tục mà hoàn thiện về mặt tuyến trình, toàn trình thì tiếp nhận ngay, còn những thủ tục quá rườm rà không theo bộ mẫu thủ tục thì vẫn phải tiếp nhận như cũ…
Trung tâm Hành chính công TP. Thủ Đức (gọi tắt là Trung tâm) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 10/11/2023 với 3 bộ phận trực thuộc: Bộ phận Tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; Bộ phận Kiểm tra, giám sát (bao gồm kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành chính); Bộ phận Hành chính - Tổng hợp.
Năm 2024, Trung tâm đã tổ chức 14 buổi tuyên truyền, tư vấn, tập huấn hướng dẫn trực tiếp tại UBND TP. Thủ Đức và các phường về công tác cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn.
Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết là 4.645 hồ sơ/20.798 hồ sơ, chiếm 22,36% lượng hồ sơ của TP. Thủ Đức đã tiếp nhận, kết quả xử lý đạt 99,5%.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm soát thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính được đổi mới, tăng cường theo hướng rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, công khai “Thư xin lỗi” đối với các hồ sơ quá hạn...