---- Thời sự

Những cáo buộc lạm dụng lao động trong ngành tôm là vô căn cứ

Bạch Khởi 04/09/2024 - 14:42

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa phản hồi về cáo buộc lạm dụng lao động trong ngành tôm, theo báo cáo của Sustainability Incubator.

Cụ thể, VASEP đánh giá, những cáo buộc này là không có cơ sở, gây hiểu lầm và làm tổn hại đến uy tín của ngành tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong phản hồi mới nhất, VASEP cũng khẳng định, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội là những nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản đáng tin cậy, chiếm 80-84% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các công ty này hoạt động tuân theo luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội, và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, VASEP cũng nhấn mạnh, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn này, sản phẩm thủy sản của Việt Nam ngày càng được nhiều thị trường nhập khẩu tin dùng. Đó là lý do tại sao các sản phẩm thủy sản của Việt Nam có số lượng thị trường nhập khẩu ngày càng tăng trong những năm qua.

VASEP còn cho biết, ngành tôm của Việt Nam là động lực kinh tế chính, mang lại sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ngành đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể và cam kết đảm bảo các hoạt động đạo đức và bền vững.

Theo đó, hằng năm, ngành tôm đã đóng góp khoảng 40-45% giá trị của toàn ngành thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD mỗi năm, đã xuất khẩu sang hơn 100 thị trường trên toàn thế giới, bao gồm các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam hiện là một trong 4 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, chiếm 10-13% giá trị thị trường tôm toàn cầu.

Bên cạnh đó, VASEP cũng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tiêu chuẩn lao động và điều kiện làm việc trong ngành sản xuất tôm, với sự hỗ trợ từ các luật và quy định lao động của Chính phủ, cùng với việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

20220219113432562viet-nam-ve-dich-thu-4-trong-cuoc-dua-xuat-khau-to-1601-1.jpg
Theo VASEP, những cáo buộc trong báo cáo của Sustainability Incubator là vô căn cứ, gây hiểu lầm và gây tổn hại đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam

Trong đó, ngành tôm Việt Nam đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể, cam kết đảm bảo hoạt động có đạo đức và bền vững, mang lại sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Theo VASEP, bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm vừa an toàn vừa bền vững có thể được tìm thấy thông qua sự tồn tại của số lượng ngày càng tăng các chương trình chứng nhận do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đưa ra về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP), chứng nhận Global Gap, hay chứng nhận ASC của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản…

Để đạt được các chứng nhận này, các trang trại phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí như trách nhiệm xã hội (trong đó, bao gồm các tiêu chí không sử dụng lao động trẻ em, sức khỏe và sự an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng); tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật, đúng pháp luật); bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học…

Liên quan đế vấn đề lao động, theo VASEP, hiện giờ làm việc của người lao động tại các công ty tôm Việt Nam được áp dụng theo Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ.

Với trách nhiệm và kinh nghiệm của một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP khẳng định ngành tôm Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng bền vững hơn, tuân thủ mọi luật pháp, quy định quốc gia và quốc tế về điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội và an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, VASEP một lần nữa khẳng định rằng những thông tin và phát hiện trong báo cáo của tổ chức Sustainability Incubator về ngành tôm Việt Nam là không đúng sự thật, vô căn cứ và không khách quan.

Báo cáo của Sustainability Incubator liên quan đến ngành tôm Việt Nam dài 36 trang. Nội dung theo Sustainability Incubator, đó là một nghiên cứu thực địa về ngành tôm Việt Nam, được thực hiện từ tháng 7/2023 đến tháng 5/2024 do ba nhóm nghiên cứu độc lập tại Việt Nam thực hiện. Những nhóm nghiên cứu này được Sustainability Incubator ẩn danh trong phần tác giả. Báo cáo được hoàn thành bởi một thành viên khác thuộc Sustainability Incubator.

Theo Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2024, ngành tôm Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD cho năm nay.

Tính đến cuối tháng 7, lũy kế xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tôm chân trắng đạt 1,45 tỷ USD, tăng 4%; tôm sú đạt 246 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng gần gấp 3 lần, đạt 145 triệu USD.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 262 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi tăng trong các tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ lại bị giảm trong tháng 4 và 5 bởi tình trạng lạm phát tăng cao, người dân Mỹ có xu hướng thắt chặt chi tiêu; giá cước tàu biển tăng cao đột biến và cạnh tranh mạnh về giá với tôm của Ecuador, Ấn Độ.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc từ vị trí thứ hai của năm trước, đã bất ngờ vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam.

Dự báo tới cuối năm, Trung Quốc sẽ là thị trường cạnh tranh mạnh mẽ về giá giữa tôm Việt Nam với tôm các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 436 nghìn tấn tôm, thì riêng tôm đến từ Ecuador đã lên tới 330 nghìn tấn, chiếm 75%.

Bạch Khởi