Thời sự

Thủ tướng yêu cầu giữ vững cân đối về ngân sách nhà nước

Bạch Khởi 04/09/2024 - 09:55

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.

Nội dung Công điện nêu rõ, thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 78,5% dự toán trong điều kiện đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác; chi ngân sách nhà nước được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm; cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp. Thu ngân sách nhà nước về tổng thể đạt tiến độ khá và có tăng trưởng so với cùng kỳ, song vẫn còn một số khoản thu có tiến độ thu đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm mới đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ; còn 19 bộ, cơ quan trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2024.

Bên cạnh đó, qua kết quả giám sát của Quốc hội, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và công tác quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024 theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, để bảo đảm giữ vững cân đối ngân sách nhà nước các cấp trong mọi tình huống, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu và đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tăng cường tiết kiệm chi, chủ động cân đối ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2024.

13-1709280899-anh-t6hu-ngan-sach.jpg
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã đề ra

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt khoảng 7%, vượt mục tiêu đã đề ra, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Cùng với đó, quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh. Phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao. Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát, cơ cấu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (sau khi loại trừ các khoản chi tương tự như năm 2024 đã được quy định) để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển.

Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện chi ngân sách theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Qua đó, kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Phấn đấu giải ngân trên 95% số kế hoạch vốn năm 2024 được giao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo Hội đồng nhân dân giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương theo quy định. Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định. Bảo đảm nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong đó, kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công trong phạm vi cho phép. Điều hành ngân sách đảm bảo nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, trả lương, chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách phát sinh…

Lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023, nếu không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 12,4% so cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 1.117,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023. Nếu không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 11,6% so cùng kỳ.

Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 270,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 91,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán.

Bạch Khởi