Quốc tế

Tham gia BRICS có thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho ASEAN?

NVP 30/08/2024 18:56

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia Đông Nam Á quan tâm đến việc gia nhập BRICS, như Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Lý do nhằm tăng trưởng thương mại, đầu tư và lợi ích kinh tế hữu hình. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, BRICS có thực sự giúp ASEAN tăng trưởng bền vững hay không, vẫn là dấu chấm hỏi.

media.tehrantimes.com-d-t-2024-02-13-4-_4858054.jpg
BRICS đang ngày càng thu hút thêm nhiều quốc gia châu Á - Ảnh: Tehran Times

Hiện nay, bức tranh toàn cầu về thương mại, được dệt một cách phức tạp thông qua sợi chỉ địa lý và kinh tế. Hai yếu tố này giúp hình thành và quyết định tính hiệu quả các hiệp định.

Vị trí địa lý gần nhau, là yếu tố quan trọng trong các văn bản hợp tác. Những quốc gia chung biên giới hoặc khoảng cách không xa, thường có chi phí vận chuyển thấp và ít rào cản hơn. Ví dụ hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ; hiệp định nội khối ở châu Âu, châu Phi hoặc Đông Nam Á; đã tạo điều kiện cho buôn bán liền mạch. Hợp tác kinh tế cũng thúc đẩy giao thương bền vững. Ví dụ giữa các quốc gia nhiều dầu mỏ tại Trung Đông.

Khối BRICS không có nhiều điểm chung như vậy. Các thành viên phân tán về địa lý và kinh tế. Điều này có thể cản trở hợp tác thương mại một cách hiệu quả. Ngoài ra, thành viên BRICS có cấu trúc kinh tế đa dạng, với mức độ phát triển, công nghiệp hóa và chuyên môn hóa khác nhau.

Brazil là nước xuất khẩu nông sản lớn. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn. Ấn Độ có ngành nông nghiệp khổng lồ, nền kinh tế dịch vụ và công nghệ thông tin phát triển. Trung Quốc là trung tâm sản xuất hàng hóa. Nam Phi có nền kinh tế đa dạng, với ngành khai khoáng làm chủ đạo.

Khác biệt lớn về kinh tế, khiến việc xác định lợi ích chung và thực hiện chính sách hợp tác trở nên khó khăn.

Đó là lý do một số ý kiến nhận định, gia nhập BRICS có thể chưa mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả quốc gia châu Á.

Ví dụ, ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia phù hợp với động lực kinh tế ở Trung Quốc, nhưng lại ít kết nối chuỗi cung ứng với Brazil hoặc Nam Phi.

Ngành du lịch Thái Lan liên kết hạn chế với BRICS. Sản xuất hàng hóa của nước này thì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Việt Nam - trung tâm sản xuất đang phát triển nhanh, chủ yếu đưa hàng hóa sang Hoa Kỳ, Trung Quốc và liên minh châu Âu. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp đầu vào quan trọng. Các thành viên BRICS+ mới bổ sung, như Ả Rập Xê Út, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), thì nặng về kinh tế dầu mỏ, với tương đối ít kết nối tới Đông Nam Á.

Mặc dù chiếm gần một nửa GDP toàn cầu, thương mại nội khối của BRICS (trừ Trung Quốc) vẫn ở mức thấp.

Ví dụ, Brazil giao dịch với Hoa Kỳ (37,1 tỷ USD) và Argentina (16,7 tỷ USD), nhiều hơn bất kỳ thành viên BRICS nào năm 2023. Tương tự, đối tác thương mại chính của Nam Phi ngoài Trung Quốc là Hoa Kỳ (8,4 tỷ USD) và Đức (7,8 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhà đầu tư quan trọng nhất vào BRICS, không phải thành viên nội khối, mà là những nền kinh tế phát triển.

Tháng 4/2000 đến tháng 3/2024, Mauritius và Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính vào Ấn Độ, đóng góp tổng cộng 49%. Hoa Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản, cũng là nhà đầu tư lớn khác, đóng góp lần lượt 10%, 7% và 6%.

Với Nam Phi, dòng vốn FDI lớn nhất đến từ Hà Lan và vương quốc Anh.

Trung Quốc đóng vai trò tương đối nhỏ trong FDI của BRICS. Ngoài Trung Quốc, FDI nội khối BRICS gần như bằng không.

Đông Nam Á đã thiết lập hiệp định thương mại khu vực với những đối tác lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ. Ví dụ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) và ASEAN+1, nên việc tham gia BRICS có thể không mang lại thêm lợi ích kinh tế.

Tham gia BRICS cũng có thể hạn chế tính linh hoạt về ngoại giao của một quốc gia.

Liên kết với Trung Quốc và Nga - các thành viên chủ chốt trong BRICS, có thể gây căng thẳng với đối tác quan trọng như Hoa Kỳ hay EU. Những cường quốc phương Tây này ngày càng coi BRICS là đối thủ, có khả năng dẫn đến căng thẳng thương mại.

Hơn nữa, phụ thuộc BRICS có thể cản trở đầu tư từ phương Tây – trước giờ là nguồn vốn và công nghệ quan trọng. Do đó, để đảm bảo thịnh vượng lâu dài, Đông Nam Á nên cân bằng quan hệ giữa BRICS và đối tác bên ngoài.

Trong khi Malaysia và Thái Lan quan tâm đến gia nhập BRICS, Indonesia lại dứt khoát từ chối. Tham gia G20, Indonesia tiếp cận được nhiều đối tác thương mại và đầu tư, cũng như tăng cường ảnh hưởng kinh tế của mình trên toàn cầu. Tư cách thành viên BRICS, có thể tập trung vào cạnh tranh địa chính trị, được dự đoán mang lại rất ít lợi ích kinh tế hữu hình cho Indonesia.

Quyết định của Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng, của việc cân nhắc thế mạnh kinh tế, lẫn vị trí địa chính trị đặc trưng của một quốc gia, khi lựa chọn các liên kết đa phương. Thay vì gắn với một khối cụ thể, các quốc gia châu Á nên ưu tiên tổ chức mang lại nhiều cơ hội nhất cho tăng trưởng lẫn đa dạng hóa thương mại.

Khi chính trị toàn cầu ngày càng phân cực, Đông Nam Á cần duy trì quan điểm trung lập về kinh tế, như tránh tham gia trực tiếp vào nghị sự của những cường quốc, đặc biệt thận trọng với các khối kinh tế có xu hướng đối đầu.

Xét yếu tố trên, Đông Nam Á có thể tìm thấy nhiều lợi ích, thông qua hội nhập kinh tế khu vực hoặc hiệp định thương mại song phương.

Các nền tảng như RCEP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ASEAN+ hay APEC, cũng như những hiệp định thương mại song phương chiến lược, đang cung cấp cách tiếp cận cân bằng hơn về hợp tác kinh tế. Khuôn khổ này thường đi sâu vào thị trường, tạo thuận lợi cho thương mại - đầu tư, và không có nhiều yếu tố chính trị.

NVP