Quản trị

Đại học khởi nghiệp: Nền tảng mở, kết nối nguồn lực

Huỳnh Công Thắng - Lê Nguyễn Thành An (*) 29/08/2024 13:30

Trong xu hướng phát triển đại học khởi nghiệp - trường đại học “thế hệ thứ ba”, theo mô hình này phải định hướng là một nền tảng mở, thu hút, kết nối tất cả các nguồn lực để dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, từ đó là động lực cho sự phát triển kinh tế của khu vực, đất nước.

Khởi nghiệp trong trường đại học còn nhiều hạn chế…

Hoạt động khởi nghiệp, ĐMST của các trường đại học tại Việt Nam những năm gần đây có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế vẫn còn những hạn chế. Điểm yếu lớn nhất là về mặt định hướng. Hiện nay, các trường đại học truyền thống vẫn phải tập trung vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu, rất nhiều nghiên cứu và ý tưởng đột phá được hình thành nhưng lại “nằm” yên thay vì được chuyển giao và ứng dụng. Môi trường khởi nghiệp, ĐMST trong các trường đại học Việt Nam có chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự thuận lợi để sinh viên có thể khởi nghiệp một cách “tự do” và sáng tạo, khi đặt cạnh các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Từ định hướng chưa rõ ràng sẽ dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả, trong đó có việc xây dựng các chương trình đào tạo hướng tới khởi nghiệp. Mô hình đại học khởi nghiệp - một mô hình hoàn toàn mới nhưng khi nhìn lại thì hệ thống chương trình đào tạo về kiến thức và kỹ năng tại các trường đại học Việt Nam hầu như không có gì thay đổi rõ rệt. Một khảo sát mới đây được công bố bởi Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, chỉ có khoảng 29% sinh viên châu Á cảm thấy họ được trang bị đủ các kỹ năng trong trường đại học trước khi bước vào thị trường lao động. Con số này chưa kể tới những kỹ năng về khởi nghiệp, mà chỉ là các kỹ năng làm việc cơ bản… Có cơ hội đánh giá nhiều dự án khởi nghiệp của các sinh viên, chúng tôi đều nhận thấy rằng chất lượng ý tưởng rất tốt, thậm chí nhiều dự án có ý tưởng tiệm cận với tư duy quốc tế. Tuy nhiên, điểm yếu của các sinh viên là kỹ năng mềm trong khởi nghiệp, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện, quản lý và trình bày báo cáo tài chính, kỹ năng thuyết phục các quỹ đầu tư rót vốn cho dự án…

ong-huynh-cong-thang-ben-phai-va-ong-le-nguyen-thanh-an-gioi-thieu-ve-he-sinh-thai-khoi-nghiep-dmst-cua-viet-nam-trong-mot-hoi-thao-tai-nhat-ban.jpg
Ông Huỳnh Công Thắng (bên phải) và ông Lê Nguyễn Thành An giới thiệu về hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam trong một hội thảo tại Nhật Bản

Đại học khởi nghiệp là nền tảng mở sẽ giải quyết những tồn tại

Mô hình đại học khởi nghiệp, xu thế phát triển của thế giới, đại học “thế hệ thứ ba” đang là bước tiến mới của nhiều trường đại học trên thế giới. Khi các trường đại học tại Việt Nam hướng tới mô hình này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong hoạt động khởi nghiệp, ĐMST.

Đặc biệt, trường đại học khởi nghiệp phải định hướng là một nền tảng mở, thu hút, kết nối tất cả các nguồn lực để dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp, ĐMST. Nhiều trường đại học ở Vương quốc Anh hay Úc đã làm được điều này. Họ thành công vì họ định vị mình là nền tảng giúp cho mọi người đều có thể tìm đến để khai phóng khả năng sáng tạo của bản thân, họ có khả năng tìm kiếm và tạo ra nhiều cơ hội để các dự án phát triển. Các trường đại học quốc tế đang rất chủ động trong việc triển khai các hoạt động của mình bởi mô hình đại học khởi nghiệp cho phép họ thực hiện điều đó. Đơn cử, nhiều trường đại học tại đây còn trả một khoản chi phí cho các DN, để DN giúp họ tìm hiểu về thực tế của hệ sinh thái khởi nghiệp tại một khu vực nào đó, từ đó quay trở lại trường và hỗ trợ, thực hiện nghiên cứu, triển khai dự án, tăng khả năng thành công.

Khi xác định mình là một nền tảng mở, các trường đại học không chỉ chú trọng mỗi hoạt động đào tạo, mà phải là nơi kết nối, chia sẻ và tạo cơ hội học tập suốt đời cho đa dạng đối tượng. Cụ thể, không chỉ các sinh viên làm dự án khởi nghiệp, thậm chí các nhà khởi nghiệp thành công vẫn cần trau dồi kỹ năng và kiến thức cũng sẽ tìm đến “nền tảng” này. Các trường đại học khi đó sẽ trang bị cho họ những tri thức để DN có thể “scale-up” xứng tầm với tiềm năng.

Ngoài ra, trường đại học khởi nghiệp sẽ là môi trường sáng tạo và năng động để thực hiện những “phép thử” trong câu chuyện khởi nghiệp. Một tổ chức ươm tạo từng chia sẻ rằng: “Để tìm kiếm được một DN khởi nghiệp "trăm triệu đô la Mỹ", phải đầu tư ít nhất 400 công ty startup”. Để thấy được tỷ lệ thử nghiệm cho sự thành công là rất khốc liệt. Trường đại học khởi nghiệp chính là môi trường để làm điều đó, bởi sự thất bại trong môi trường đại học sẽ “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với việc thất bại trên thương trường và chỉ có trường đại học mới có đủ nguồn lực.

_block71_-la-mot-khu-phuc-hop-khoi-nghiep-phat-trien-boi-nus-enterprise.jpg
Block71 là một khu phức hợp khởi nghiệp phát triển bởi NUS Enterprise

Một ví dụ điển hình phải kể đến cách mà Đại học Quốc gia Singapore đang thực hiện. Họ triển khai cùng lúc rất nhiều chương trình, như: Chương trình NOC College, sinh viên tham gia sẽ được gửi đi học tập và làm việc tại các trung tâm khởi nghiệp nổi tiếng trên toàn thế giới, sau khi hoàn thành, các sinh viên quay trở lại Singapore và tiếp tục đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, hoặc tự khởi nghiệp; Hay khuyến khích sinh viên tham gia vào “Block71”, một khu phức hợp khởi nghiệp phát triển bởi NUS Enterprise, nơi có các chương trình ươm tạo, các dịch vụ tư vấn, và cơ hội kết nối với các nhà đầu tư và đối tác… Điều đáng học hỏi ở đây là việc cùng lúc sẽ có rất nhiều chương trình, nhiều sinh viên tham dự và mỗi sinh viên sẽ có một góc nhìn khác nhau về một vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, lựa chọn ra chương trình phù hợp, hiệu quả nhất với sinh viên của mình, dựa trên tỷ lệ dự án thành công theo từng “phép thử”.

Hiện tại mới chỉ có một số lượng rất hạn chế các trường đại học tại Việt Nam “tuyên ngôn” là trường đại học khởi nghiệp. Việc xác định theo mô hình này hay không còn phụ thuộc vào thực tế nhu cầu, tiềm năng nội tại của từng đơn vị. Với các trường đã, đang hướng tới mô hình này, cần nhanh chóng phát huy hết tiềm lực sẵn có của mình, đó chính là khả năng huy động đồng thời nhiều nguồn lực, cả vật chất và con người. Có như vậy, hiện thực hóa các trường đại học khởi nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, quốc gia mới có thể diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

(*) Ông Huỳnh Công Thắng - CEO InnoLab Asia; Ông Lê Nguyễn Thành An - CEO NFQ Việt Nam

Khánh Hưng (thực hiện)

Huỳnh Công Thắng - Lê Nguyễn Thành An (*)