Thời sự

Để có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh

Ý Nhi 26/08/2024 13:03

Sau ba tháng nhậm chức, dù bộn bề việc nước, ngày 22/8 vừa qua, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi gặp mặt với Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển, luôn trân trọng và ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với nền kinh tế nước nhà.

Trong bối cảnh kinh tế còn trầm lắng, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn và đâu đó vẫn còn “tâm trạng, tâm tư” thì buổi gặp mặt và những lời đánh giá, khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là liều thuốc bồi bổ tinh thần, củng cố niềm tin, đem lại kỳ vọng và sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

hinh-dn.jpg

Dù Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng vẫn phải kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm nhưng nhấn mạnh: “Không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội” và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành, hưởng ứng bằng trách nhiệm, trí tuệ để xây dựng Đảng và Nhà nước thật sự vững mạnh, trong sạch”.

Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò và sự đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp. Qua đó thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tập trung phát triển kinh tế, phát triển đội ngũ doanh nhân, lực lượng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Để có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh và khỏe mạnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ, vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục quan tâm, hoàn thiện về chính sách, sự chung tay của các cấp, các ngành. Song, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa kinh doanh thế giới. Doanh nhân cần "nói không” với gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng, phải tuân thủ luật pháp, nộp thuế và các nghĩa tài chính đầy đủ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo dựng uy tín, vị thế cho doanh nghiệp, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển thương hiệu quốc gia.

Phía doanh nhân cũng gửi gắm nhiều chia sẻ, tâm tư đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Khi Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới ra đời, với các yêu cầu thiết thực như tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, Nghị quyết khẳng định tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển, cống hiến… cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng phấn khởi. Thế nhưng, đã gần một năm trôi qua, trong tâm tư mỗi doanh nhân vẫn thường trực sự mong mỏi, chờ đợi Nghị quyết số 41 đi vào cuộc sống với những kế hoạch, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đang cần được triển khai hiệu quả. Cùng với đó là một số vướng mắc, quy định vẫn còn gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp cần sửa đổi và ban hành sớm để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh doanh .

Theo đề xuất của doanh nhân, để Nghị quyết số 41 đi vào cuộc sống, cần cụ thể hóa các chính sách, pháp lý, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Hay như sớm ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thời gian qua, dù “gánh nặng” của việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã giảm nhưng vẫn cần điều chỉnh trong quy định pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong thanh tra, kiểm tra, tăng cường đối thoại giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rà soát, xem xét tính khả thi và áp dụng hiệu quả cho từng nhóm, từng ngành, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp SEMs, đặc biệt là trong việc tiếp cận vốn và thị trường. Phát triển hạ tầng kỹ thuật số để doanh nghiệp tận dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Về xây dựng nhà ở xã hội, doanh nhân kiến nghị giúp tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn, nhất là giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chính sách kinh tế, xã hội được ban hành cần nhất quán về nội dung và có độ trễ khi thực hiện. Đơn cử, Ngân hàng Chính sách xã hội cho người mua nhà ở vay với lãi suất 4,8%/năm nhưng mới đây lại đột ngột gửi thông báo tăng lãi suất lên 6,6%/năm, trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất 6%, là rất bất hợp lý. Lại có những doanh nghiệp tổng số thuế là 1.600 tỷ đồng, đã nộp 85%, còn lại 15% đang trả dần theo quý nhưng cơ quan thuế vẫn liên tục phát văn bản thu giấy phép kinh doanh, khóa hóa đơn và cấm chủ doanh nghiệp xuất cảnh. Đó là cách làm không hợp lý, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài.

Biết rằng còn nhiều chính sách bất cập cần thời gian để kiện toàn, tuy nhiên, có dịp được gặp mặt để gửi gắm, chia sẻ nguyện vọng và bày tỏ nỗi niềm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong thời điểm này và được nghe chỉ đạo, chia sẻ và nhắn nhủ trực tiếp từ người đứng đầu Đảng và Nhà nước chính là nguồn khích lệ, động viên và tạo sự an tâm để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vững tin vào vai trò, sứ mệnh của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng mong làm sao có được nhiều buổi gặp mặt để được đề đạt ý kiến cũng như gửi gắm tâm tư và cảm nhận sự sâu sát lắng nghe của lãnh đạo Đảng và Nhà nước như thế.

Ý Nhi