Bất động sản

Nhà ở xã hội: Có thể xanh hóa?

Phong Vân 24/08/2024 - 16:21

Có thể kết hợp vừa phát triển dự án nhà ở xã hội vừa theo xu hướng xanh để đạt được cả hai mục tiêu là phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững?

Đây là vấn đề được đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, và doanh nghiệp liên quan bàn thảo sôi nổi tại hội thảo “Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh”, diễn ra vào ngày 22/8 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

img_6926.jpg

Nhà ở xã hội xanh sẽ góp phần trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nhà ở xã hội có thể “xanh” hay không khi sẽ làm tăng nhiều chi phí, khó đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp.

Tại hội thảo, các bên liên quan đã nhận thấy rằng, nhà ở xã hội “xanh” không phải không làm được, quan trọng là làm với ai và có những bước đi như thế nào.

Với tham luận “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM đã mang đến cái nhìn tổng quan về xu hướng, chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hỗ trợ cho vay vốn đối với dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội “xanh” nói riêng. Đặc biệt, ông Lệnh đã chỉ ra những lưu ý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về các tiêu chí quan trọng cần đáp ứng khi vay vốn.

Trên thực tế, các công trình nhà ở xã hội xanh hóa đã được các doanh nghiệp phát triển bất động sản quan tâm thực hiện đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và nhân rộng hơn nữa trong vài năm gần đây.

Ông Trần Đăng Toàn - Phó Tổng giám đốc phát triển dự án, Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh, đã chia sẻ thực tiễn về những thuận lợi, khó khăn và cách mà doanh nghiệp đã khắc phục những vấn đề đó như thế nào. Ông cũng dẫn chứng về mô hình xanh thành công từ nước bạn Singapore để các doanh nghiệp Việt có thể tham khảo và rút kết kinh nghiệm. Ông Toàn cho rằng, chi phí giữa việc phát triển dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở xã hội xanh không khác biệt nhiều nếu doanh nghiệp có sự chuẩn bị, tính toán chi phí ngay từ ban đầu.

Với phân khúc nhà ở xã hội, làm thế nào để đạt tiêu chuẩn “xanh”? Theo ông Vũ Linh Quang - Giám đốc điều hành ARDOR Green, hiện có nhiều hệ thống chứng nhận “xanh” để các nhà phát triển bất động sản chọn khi thực hiện cho dự án của mình. Tùy theo điều kiện và sự phù hợp, doanh nghiệp có thể chọn chứng nhận xanh LOTUS, LEED, EDGE...

Bằng những kinh nghiệm thực tế tư vấn cho rất nhiều dự án, ông Quang đã đưa ra những lưu ý để việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội xanh được thuận lợi hơn. Nhà ở xã hội xanh sẽ được tính dựa trên các tiêu chí như mảng xanh, tiện ích xanh xung quanh, tường bao, kính, vật liệu xây dựng, khí thải, nguồn nước, không khí, năng lượng tiết kiệm... Nhà xanh sẽ tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chủ sở hữu. Mặc dù, giá thành cao hơn có thể sẽ dẫn đến sự e ngại cho người có thu nhập thấp, nhưng đây sẽ là xu hướng và sự ưa chuộng của người mua trong tương lai. Ông Quang tin rằng, nhà ở xã hội xanh là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu các doanh nghiệp cam kết và dấn thân.

Các diễn giả tham dự sự kiện đều cho rằng, xanh hóa nhà ở xã hội là hoàn toàn khả thi và là xu hướng tương lai; và điều quan trọng là có sự chung tay từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo được đầu ra cho phân khúc này.

Sự kiện đã mang đến những cái nhìn tổng quan nhưng cũng rất chi tiết về những chính sách của Nhà nước trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội; giải pháp về nguồn vốn, tín dụng xanh; các đề xuất về mô hình xây dựng và quản lý nhà ở xã hội, hướng đến phát triển các dự án giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng và tạo không gian sống lành mạnh cho cư dân.

Phong Vân