Trò chuyện doanh nhân

Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa - Nguyên Giám đốc Chiến lược FPT: “Ước mơ Việt Nam là một quốc gia khởi nghiệp”

Hà Thủy 24/08/2024 - 16:08

Gần 20 năm giữ vị trí cao tại các công ty Canada, Pháp, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chọn trở về nước làm việc với vai trò chuyên gia chiến lược. Ông luôn ấp ủ ước mơ Việt Nam là một quốc gia khởi nghiệp…

Cuộc gặp doanh nhân Thái Hòa ở ngôi nhà cả gia đình ông đang sinh sống tại Hà Nội trễ hơn dự kiến 45 phút. Thế nên trước khi có cuộc trao đổi cùng ông, tôi có dịp trò truyện với bố của ông - KTS. Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái là chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), cũng là người có mặt tại khoảnh khắc lịch sử trưa 30/4/1975 khi Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn đầu hàng.

Tôi ngay lập tức bị cuốn vào những câu chuyện ông Thái kể. Chuyện lịch sử năm nào của dân tộc với những mốc thời gian cụ thể, chuyện về Sài Gòn xưa, chuyện về “Hà Nội trong mắt một người Sài Gòn”. Những cuốn sách và bức ảnh tư liệu gia đình ông lưu lại về “chàng trai trẻ” Thái Hòa năm ấy và hành trình của cậu thanh niên Việt Nam sang xứ người để có tiền ăn học phải hầu bàn, lau nhà vệ sinh, bắt giun, hát quán bar.

Những “chất liệu” ấy đã cho tôi thêm góc nhìn rất khác, rất mới về nhân vật mà tôi sắp trò truyện.

Tôi bắt đầu cuộc trò truyện với ông Hòa bằng câu hỏi:

2.jpg
Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa

* Tại sao khi trở về Việt Nam sau mấy chục năm xa xứ, ông lại chọn Hà Nội là nơi gắn bó mà không phải là TP.HCM hay một thành phố nào khác?

- Đây là một câu hỏi mà bạn bè tôi, những người thân thiết với tôi và chính bản thân tôi cũng từng tự hỏi trong nhiều năm qua. Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, bố mẹ tôi là người gốc miền Trung nhưng cũng sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Vậy nhưng chúng tôi có duyên ở Hà Nội vì khi về nước, việc tôi chọn Hà Nội vì là nơi đây là trung tâm, không còn tính vùng miền. Khi chọn sống ở Thủ đô thì tôi nhìn thấy Việt Nam chỉ là một mà thôi, qua Hà Nội, tôi vẫn thấy TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... Và sau nhiều năm sống ở thành phố này, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng.

* Gần 20 năm sống và làm việc tại nước ngoài, làm thế nào ông duy trì mối liên kết với quê hương?

- Sau khi tốt nghiệp một trường đại học tại Canada, tôi làm việc tại Schneider Electric với vị trí Giám đốc Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương. Tôi thường qua lại giữa Pháp, Bắc Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Úc, New Zealand và khoảng 10 thành phố ở Trung Quốc. Bôn ba làm việc các nơi dạy tôi nhiều điều, nhưng sợi dây liên kết với quê hương chưa bao giờ ngắt quãng. Có hai thứ gắn chặt tôi với quê hương là luôn trau dồi tiếng Việt và tình yêu nhạc Trịnh Công Sơn. Trước khi có Internet, tôi thường đặt báo trong nước do Thông tấn xã Việt Nam và Fahasa phát hành để cập nhật thông tin tại Việt Nam. Nhạc Trịnh Công Sơn khiến tôi yêu thêm đất nước, con người Việt Nam. Những lời ca trong nhạc Trịnh đã nâng đỡ tâm hồn tôi. Có những thời điểm rất nhọc nhằn, tưởng như gục ngã thì giai điệu của “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” với ca từ “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng… Tôi là ai là ai mà yêu quá đời này” đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để qua những đêm trắng lạnh lẽo nơi xứ người. Nhạc Trịnh Công Sơn còn là sợi dây gắn kết cá nhân tôi và nhiều trí thức trẻ khiến chúng tôi quay về với quê hương.

* Những giá trị văn hóa nào của Việt Nam ông thấy quan trọng nhất để duy trì và phát huy trong môi trường làm việc quốc tế?

- Nói chung đó là tinh thần lạc quan. Nhưng văn hóa doanh nghiệp thì lại xuất phát từ lãnh đạo hay những nhà sáng lập công ty. Công ty ra nước ngoài làm ăn phải giữ được văn hóa riêng, hòa nhập nhưng không hòa tan vào thế giới. Một số tập đoàn của nước ta như Viettel, FPT kinh doanh ở nhiều nước đã làm được điều đấy. Tinh thần Việt Nam, sự lạc quan là những điểm tích cực trong văn hóa doanh nghiệp.

* Vậy những bài học từ kinh doanh quốc tế mà ông muốn áp dụng tại Việt Nam là gì, thưa ông?

- Với kinh nghiệm trong 20 năm làm việc ở các nước, tôi muốn đóng góp mấy điều với doanh nhân là đồng bào mình. Đầu tiên là phải nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Research and development - R&D). Tức luôn sáng tạo để tạo ra kiến thức mới, công nghệ mới, sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm, quy trình, dịch vụ đang có để tăng trưởng bền vững. Đó là lý do khi tôi thay đổi nghề nghiệp từ một kiến trúc sư, từ một nhà quản lý, thiết kế khu công nghiệp, nhà máy sản xuất đến một chuyên gia về chất lượng và chiến lược kinh doanh.

Trong suốt hành trình đó, tôi luôn trăn trở viết một bộ công cụ gọi là BiC - Best in Class (Vươn tới đỉnh cao) để giúp doanh nghiệp hay tổ chức có thể tham khảo để đạt được thành tựu vượt bậc. Best in Class có thể là một bộ tool (công cụ) căn bản cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên và đi ra toàn cầu. Trong đó, linh hồn của BiC là nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) và đảm bảo chất lượng (QA).

Khi trở về nước, tôi may mắn được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ. Nguyên Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đích thân hỗ trợ tôi trong Chương trình Best in Class. Chúng tôi chọn ra hai tập đoàn tại Việt Nam là Công ty CP Viễn thông FPT và Công ty CP Đồng Tâm để làm thí điểm quản trị chất lượng và viết nghiên cứu tình huống BiC. Sau đó chương trình này với những môđun chuẩn mực toàn cầu được chuẩn hóa và chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó cũng là tiền đề cho chương trình quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ là Chương trình 712 (Chương trình Năng suất, Chất lượng Quốc gia) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và cũng dần đưa vào các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Như vậy có hai thứ mà người Việt và mọi tổ chức muốn phát triển cần phải có, đó là đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm và dịch vụ, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị hướng đến đảm bảo chất lượng sản phẩm chứ không chỉ là kiểm soát chất lượng (Quality Control) mà phải hướng tới Quality Assurance, tức là sự đảm bảo chất lượng cao cho sản phẩm, dịch vụ để cạnh tranh toàn cầu.

* Dưới góc độ là một chuyên gia trong lĩnh vực R&D, ông có thể lưu ý doanh nghiệp cần tránh những điều gì?

- Không hẳn là doanh nghiệp nào cũng hiểu R&D và càng thiếu quy chuẩn phát triển sản phẩm. Lỗ hổng tri thức quản trị về R&D nguy hiểm đến mức làm tiêu tan vốn liếng vì nó là nguyên nhân tạo ra lỗi trên sản phẩm.

Nghiên cứu phát triển mỗi sản phẩm, dịch vụ là phải đầy đủ, nếu không, với doanh nghiệp lớn, hậu quả sẽ khủng khiếp vì sản lượng và vùng địa lý rất lớn. Với doanh nghiệp SMEs thì sự hời hợt, thiếu thông tin và xem nhẹ R&D lại chính là rào cản để không bao giờ lớn được. Doanh nghiệp nhỏ hay vừa muốn nâng tầm, nếu không có R&D sẽ không thể chuỗi hóa và khó được đánh giá cao trên sàn chứng khoán khi IPO.

* Vậy đề xuất cụ thể của ông là gì? Làm thế nào để phát huy được năng lực cạnh tranh trong thời đại số?

- Phải học. Phải trau dồi tư duy không chỉ cho chính mình mà cho cả thành viên của ban lãnh đạo, tất cả phải đồng bộ, đồng lòng, luôn luôn khao khát cái mới, cái tốt hơn. Từ đó nâng tầm quản trị lên tiêu chuẩn toàn cầu. Môđun BiC mà tôi đã viết cho Bộ Khoa học và Công nghệ hướng đến giúp doanh nghiệp tự vượt lên, tự hoàn thiện. Tôi đã tư vấn cho ông Vũ Tiến Lộc - cựu Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham mưu với Chính phủ ba định hướng lớn đối với doanh nhân Việt Nam thông qua chương trình BiC, theo cách mà cụ Phan Chu Trinh đã đề ra, đó là Khai doanh trí: Doanh nhân và doanh nghiệp cần có tri thức tốt nhất; Chấn doanh khí: Doanh nhân có các giải pháp vững vàng và mạnh mẽ; Hậu doanh sinh: Doanh nghiệp phải tạo ra giá trị thật.

c2a0d6b659f4fdaaa4e5.jpg
Ông Thái Hòa - Đại diện Tập đoàn Schneider Electric giải thích cho cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về quy trình ISO 9001 cho khu công nghiệp VSIP, Bình Dương năm 1999

* Ông vừa nhắc đến cụm từ “giấc mơ quốc gia khởi nghiệp”. Vậy cụ thể “giấc mơ quốc gia khởi nghiệp” của ông như thế nào?

- Quốc gia khởi nghiệp là một phạm trù đến từ cuốn sách Startup Nation của người Do Thái. Quốc gia khởi nghiệp với người Do Thái đã cho ra một hình mẫu, nhưng chúng ta không được quên bản sắc người Việt. Người Việt khác người Do Thái. Chúng ta có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhưng vẫn còn yếu về kinh doanh. Chính vì vậy, quốc gia khởi nghiệp còn khá nhiều thách thức. Về nước đào tạo thế hệ trẻ khởi nghiệp, tôi nhìn thấy ở trong họ tinh thần khát khao vươn lên làm giàu, nhưng cũng có những khi hơi bị quá. Vì vậy cần phải điều chỉnh, đào tạo cho các em những môđun, những tool thật cụ thể.

Nhân một chuyến vào thăm Đại học Quốc gia Singapore (NUS), được nhìn thấy mô hình thủ lĩnh số tại NUS, tôi ngỡ ngàng trước cách người Sing làm khởi nghiệp trong 8 bước chậm rãi. Từ những ý tưởng ban đầu có phần ngây ngô của các bạn trẻ hay những người lớn tuổi quay trở lại khởi nghiệp đến đỉnh cao đầu ra của một startup là IPO (Initial Public Offering) - nghĩa là phải đại chúng hóa được giá trị doanh nghiệp. Những người trên thị trường chứng khoán và đầu tư phải mua được công ty của mình mới gọi là thành công trong một quốc gia khởi nghiệp.

Tôi nghĩ quốc gia khởi nghiệp cũng là công cụ và cách người Việt đánh thức chính mình để vươn lên. Những cuộc thi khởi nghiệp là cần thiết, nhưng ở đó phải cho những doanh chủ trẻ công cụ, phương thức quản trị, được đào tạo bài bản, có mentor chỉ dẫn. Vậy thì, quốc gia khởi nghiệp, theo cá nhân tôi không chỉ là một ước mơ, mà còn là bệ phóng, là con đường cho Việt Nam vươn lên. Nhưng tôi nhấn mạnh một lần nữa, rằng, cộng đồng startup cần được đào tạo bài bản, được thực hành chứ không chỉ thi thố ý tưởng. Một quốc gia khởi nghiệp là quốc gia dám chi ngân sách đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn nó sẽ thành công. Cơ chế zero risk như hiện nay của ngân sách quốc gia về R&D là bất khả thi đối với mọi startup.

Nhìn sang Israel - một quốc gia khởi nghiệp, mỗi người dân là một sự tổng hợp “3 trong 1” của tinh thần công dân: nông dân - chiến binh - doanh nhân. Thay vì ngồi nghĩ về thất bại, người Israel luôn chú trọng tìm kiếm cơ hội phát triển. Văn hóa của họ nằm ở ba yếu tố then chốt: Có sáng kiến, chấp nhận rủi ro và tốc độ. Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi nghĩ có lẽ chỉ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam mới hy vọng tăng tốc để phát triển đất nước, là con đường duy nhất để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai không xa.

Muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp, người Việt phải thay đổi tư duy từ gốc rễ khái niệm khởi nghiệp, tránh làm theo phong trào và nghiêm túc từ việc tạo lập và vận hành, nhất là khi chúng ta mới bước vào nền kinh tế thị trường.

* Ông có thể cho biết những điều ông đã làm để hiện thực hóa ước mơ quốc gia khởi nghiệp?

- Về nước hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, với các doanh nghiệp như: FPT, VNPT, VNDirect, PVN, để thực hiện ước mơ quốc gia khởi nghiệp, tôi cùng với một số nhà đầu tư và bạn bè lập ra Công ty iBosses Việt Nam. Như đã nói, Iboss là tên của nền tảng thủ lĩnh số tại NUS do giáo sư hàng đầu của “ngành khởi nghiệp” là ông Patrick Koch đề ra. Ông là người Hồng Kông lập nghiệp ở Singapore và là một giáo sư thành công ở NUS và Đại học Temasek. Năm 2016 Patrick Koch được nhận giải thưởng Sáng tạo xuất sắc cho sinh viên và khởi nghiệp ở Singapore. Từ đó giáo sư lập ra một công ty riêng và đi tìm những chi nhánh để chuỗi hóa ở một số quốc gia.

Công ty iBosses Việt hoạt động 5 năm qua và vừa phải tạm dừng vì các cổ đông hết vốn. Nhưng mà qua chuyện khởi nghiệp có thể nói là thất bại của iBosses Việt Nam, những bước đi cụ thể của nó đã để lại nhiều bài học cho doanh nghiệp khác.

iBosses đưa ra một quy trình chuẩn mực của Singapore với tám cấp độ. Từ bước một là ý tưởng, những khao khát đến đưa vào triển khai thực hiện, bán được hàng rồi bắt đầu chuỗi hóa. Sau đó kiếm được lãi trong khởi nghiệp. Khi lợi nhuận có rồi thì nhân bản. Và cuối cùng là bước chuẩn bị cho IPO, tức là đại chúng hóa doanh nghiệp. Đặc biệt trong thời đại số thì IPO sẽ được ảo hóa giá trị của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trước. Tôi nhận thấy các bước đi của quốc gia khởi nghiệp theo chuẩn của Singapore là rất bài bản. Quy trình của họ là đi nhanh mà không làm khó doanh nghiệp trẻ.

3.jpg

* Ông có hy vọng sẽ thay đổi hoặc cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện nay?

- Các chương trình khởi nghiệp hiện nay chưa được chuẩn hóa trong TCVN. Những tiêu chuẩn của “ngành khởi nghiệp” cần phải được phát triển giống như một ngành công nghiệp. Hiện nay khởi nghiệp có thể nói thiếu chuẩn hóa. Và như vậy thì nhà đầu tư, người nước ngoài vào Việt Nam khó có niềm tin để đầu tư vào công ty khởi nghiệp.

Tôi cũng chia sẻ thêm, ở các buồi gặp gỡ người trẻ khởi nghiệp, các em thường trình bày ngẫu hứng và chỉ tập trung vào bước một. Đó là ý tưởng, là khao khát, ước mơ. Người ta có thể mua ý tưởng với giá một ngàn Mỹ kim, nhưng để phát triển một doanh nghiệp lên thành triệu đô hoặc hơn thì không thể chỉ với một món tiền ít ỏi, hoặc chỉ đơn thuần là một ý tưởng.

Vậy thì khởi nghiệp ở Việt Nam cần phải xây lại từ nền móng. Không hiểu vì điều gì, nhưng tôi hay liên tưởng công cuộc khởi nghiệp hóa nước ta với bóng đá Việt. Tôi nhớ câu nói “Người Việt Nam xây dựng nền bóng đá như xây ngôi nhà từ trên nóc nên chắc chắn là thua”. Nghĩa là cần làm một cách làm bài bản, đi từ gốc rễ. Mà trong đó, các nhà khởi nghiệp trẻ chính là cái móng đó. Vì vậy, đề xuất của tôi là cần những bộ chuẩn hóa cho khởi nghIệp, cần sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương. Đồng thời chuẩn hóa và xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia liên bộ. Từ đó “ước mơ khởi nghiệp Việt Nam” mới thành hiện thực.

* Điều gì khiến ông luôn ấp ủ ước mơ một đất nước khởi nghiệp?

- Sau bao năm ở xứ người, tôi nhận thấy người Việt có nhiều ưu điểm nhưng chưa biết tận dụng để phát triển. Thứ nhất là khả năng biến nguy thành cơ và có góc nhìn đa chiều trước một vấn đề. Thứ hai là tính cần cù, chịu khó. Tôi muốn kể lại chuyện “đôi giày ở Pháp” mà tôi đã chia sẻ trong cuốn sách đầu tay Hành trình văn hóa ISO và giấc mơ chất lượng Việt Nam. Thời điểm đó là đầu những năm 2000, một đôi giày Adidas “Made in Vietnam” bán với giá 190 Euro ở một siêu thị tại Lyon - thủ phủ của vùng Rhone-Alpes (Pháp), tức là hàng chất lượng cao nhất. Giày Trung Quốc sản xuất bấy giờ bán 30 Euro, giày châu Âu sản xuất bán với giá khoảng 60-70 Euro. Khi mở đôi giày ra, thấy dòng chữ “Made in Vietnam”, tôi bị sốc bởi không thể ngờ được. Giai đoạn ấy, kinh tế Việt Nam còn lạc hậu, các nhà máy sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế. Tôi tìm hiểu tại sao cũng đôi giày ấy mà sản xuất tại Việt Nam lại có giá cao nhất. Phải chăng các thương hiệu nổi tiếng đặt Việt Nam sản xuất vì chúng ta xuất sắc thật? Tại sao họ lại chọn Việt Nam ở phân khúc cao nhất? Sau này tôi phát hiện có hai điều mà các chuyên gia của Adidas nói riêng và chuyên gia quốc tế nói chung đánh giá cao tay nghề của người Việt Nam mà chính người Việt không để ý. Nguyên do, thứ nhất là chỉ số đa năng (multi-tasking) của người Việt Nam. Trong một nhà máy, dù tạo sản phẩm theo mẫu cũ hay mới thì tính thích nghi, đổi mới của người Việt khá nhanh nhạy. Tổ nhóm vài ba công nhân Việt có năng suất cao hơn so với cùng nhóm công nhân các nước khác. Thứ hai là chỉ số nhạy cảm, tinh tế (sensibilities) của người Việt. Trong ngành may mặc, công nhân Việt tỉ mỉ, chi tiết trong từng đường kim mũi chỉ. Và ở rất nhiều ngành khác, người Việt cũng vươn lên không ngừng. Khi nghiên cứu và phân tích kỹ, tôi thấy nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi lớn của một nền văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. Chúng ta có đầy đủ những đặc điểm để hình thành những thương hiệu toàn cầu trong xu thế toàn cầu hóa. Thương hiệu Việt cần tập trung vào lợi thế tinh tế, sản phẩm cải tiến, chất lượng và tính thẩm mỹ cao. Và cơ hội lớn của thương hiệu Việt là thông qua các tập đoàn đa quốc gia bằng hình thức liên doanh, liên kết để quảng bá hình ảnh. Ước mơ mà tôi luôn ấp ủ là doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu toàn cầu.

4.jpg

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ khởi nghiệp?

- Tôi có ba năm liền làm Giám khảo Chương trình Siêu thủ lĩnh cùng với VTV6 để tìm ra những nhà khởi nghiệp, những thủ lĩnh kinh tế trẻ. Chúng tôi cố gắng để cùng truyền thông kéo doanh nhân thành đạt hỗ trợ những người trẻ. Nhưng đến nay, chương trình ấy chưa có kết quả như mong đợi, chưa tạo ra được “kỳ lân” nào, tức những doanh nghiệp triệu đô, tỷ đô.

Lời khuyên của tôi đối với những người trẻ khởi nghiệp là hãy học. Học từ những điều nhỏ nhất, không chấp nhận những lỗi sai căn bản. Hãy mua vé máy bay và bước ra toàn cầu. Cụ thể là đến Singapore, đến những tòa nhà block 79 trong Đại học NUS hay Plag & Play tại Silicon Valley, Mỹ để xem những người khởi nghiệp ở đó họ làm như thế nào.

Tôi trăn trở việc có nhiều nhà đầu tư lớn là bạn bè của tôi ở nước ngoài về với mong muốn mua bán, sáp nhập và hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, nhưng họ có phần thất vọng về hệ thống quản trị và cách khởi nghiệp theo phong trào của người Việt, khi vào kinh doanh thật thì sổ sách kế toán không minh bạch, thói quen chấp nhận những lỗi đơn giản. Tôi mong rằng, “ngành khởi nghiệp” Việt cần một luồng gió mới, Chính phủ cần có chương trình quốc gia khởi nghiệp chuyên nghiệp để tạo được sản phẩm chất lượng cao, đồng thời xây dựng thành công hệ thống quản lý phát triển bền vững. Còn các bạn trẻ, hãy mạnh dạn “bước ra toàn cầu” để gia nhập vào chuẩn “ngành khởi nghiệp” và giữ vững niềm tin vào nó. Khởi nghiệp là vượt khó để biến cái không thành có, nếu thiếu niềm tin thì khó đi đến thành công.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

Hà Thủy