Thời sự

Đề xuất quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin

Thanh An 23/08/2024 14:20

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định lập và quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lập và quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Từ đó, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động lập và quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Thông tư này.

unnamed.jpg

Nội dung dự thảo quy định, quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với trình tự thực hiện quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Chi phí phải được tính đúng phương pháp, tính đủ các khoản mục chi phí theo từng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhà nước thực hiện quản lý chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua việc ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc đầu tư đưa sản phẩm của dự án vào khai thác, sử dụng.

Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được thực hiện trên cơ sở điều kiện, cách thức xác định chi phí đã được cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt phù hợp với các quy định, hướng dẫn về lập, quản lý chi phí và trình tự thực hiện quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định về quản lý định mức ứng dụng công nghệ thông tin.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức xây dựng, ban hành định mức ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng chung để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng vào việc lập và quản lý trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đối với các công việc đặc thù, chuyên ngành của bộ, ngành và địa phương, các bộ quản lý chuyên ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng, ban hành định mức chi phí ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng cho các công tác đặc thù, chuyên ngành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông để theo dõi, quản lý.

Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật được ban hành là cơ sở để chủ đầu tư lập đơn giá ứng dụng công nghệ thông tin.

Công nghệ thông tin được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện.

Trong những năm qua, hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam đã được đầu tư, phát triển; công tác nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đạt được bước tiến lớn với sự tham gia của nhiểu ngành, sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Giai đoạn 2018-2022, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam liên tục tăng trưởng, từ gần 103 tỷ USD năm 2018 lên khoảng 148 tỷ USD năm 2022, đóng góp khoảng 14,4% vào GDP cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử năm 2022 gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện đạt trên 113,5 tỷ USD (xuất siêu trên 10 tỷ USD).

Năm 2023, do tác động của suy thoái kinh tế cùng bất ổn, gia tăng căng thẳng chính trị, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt khoảng 142 tỷ USD; khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022). Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện năm 2023 dù có sự sụt giảm so với năm 2022, chỉ đạt 110,5 tỷ USD nhưng vẫn giữ vai trò chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thanh An