Thời sự

Phát triển TP.HCM, cần nhiều giải pháp đồng bộ

Đoàn Duy Khương 23/08/2024 - 16:49

Phải xác định tầm nhìn quốc gia đến năm 2050 là cùng với cảng biển Lạch Huyện - Hải Phòng và cụm cảng miền Trung ở Đà Nẵng, Cam Ranh, TP.HCM cần phát triển và trở thành một trong những trung tâm dịch vụ logistics và đô thị cảng biển thông minh quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…

TP.HCM hiện là trung tâm kinh tế và tài chính lớn nhất nuốc trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ lần thứ tư (4IR). Hơn nữa, TP.HCM có vị trí địa lý chiến lược bên bờ biển Đông và ở trung tâm khu vực kinh tế năng động của châu Á, chắc chắn nơi đây cần phải có cảng biển thông minh và là trung tâm tài chính quốc tế (International Financial Center - IFC) của khu vực.

Trong bối cảnh đất nước có cả về vị thế kinh tế và địa - chính trị tốt trong khu vực, tháng 12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TƯ Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ra Quyết định 642/QĐ-TTg 2022 Về nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tập trung vào 6 lĩnh vực là quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP. Thủ Đức.

tp.hcm-thanh-pho-dang-song-nhat-vn.jpg

Để thực hiện tốt các nghị quyết và quyết định nói trên, trong bối cảnh hiện tại, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM còn thấp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng, doanh nghiệp giải thể, tiếp tục cắt giảm lao động và thiếu đơn hàng, nguồn vốn, sức mua của người tiêu dùng giảm, chí phí đầu vào tăng, càng cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Về giải pháp ngắn hạn: Quản trị tốt 5 nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, trong quản trị nguồn lực tài nguyên và tài chính cần thực hiện triệt để Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như tăng cường các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ kích cầu, như gia hạn và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí và đặc biệt là giảm lãi suất theo hướng cạnh tranh lành mạnh và nguyên tắc win-win. Cần các biện pháp kích cầu sức mua của thị trường cũng như hỗ trợ người lao động thất nghiệp.

Về giải pháp trung và dài hạn: Theo các nhà kinh tế, TP.HCM cần có ba chiến lược đột phá.

Thứ nhất, cần xây dựng chính quyền đô thị tự chủ, tự quản với sự tham gia tích cực của người dân trong việc quản trị đô thị hiện đại. Cùng với sự ứng dụng công nghệ số, từng bước xây dựng nguyên tắc phân quyền để áp dụng mô hình đô thị hai cấp nhằm tinh giản và đảm bảo tốt việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và quản trị đô thị thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại.

Song song với việc xây dựng đô thị mới như thành phố vệ tinh hoặc đa trung tâm kết hợp với mô hình phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) gắn với giao thông công cộng hiện đại, cần ưu tiên xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi.

Thứ hai, cần phát triển nhanh logistics vì logistics là xương sống của thương mại trong bối cảnh TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước. TP.HCM đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước nhưng vẫn rất cần phát huy nguồn lực tài nguyên đất đai, phát triển nguồn lực “siêu sản phẩm” là cảng biển Cần Giờ với gần chục kimômét chiều dài cầu cảng, có thể đón tàu trọng tải 250.000 DWT. TP.HCM xứng đáng là một trung tâm logistics trong nước và quốc tế. Do đó, phải xác định tầm nhìn quốc gia đến năm 2050 là cùng với cảng biển Lạch Huyện - Hải Phòng và cụm cảng miền Trung ở Đà Nẵng, Cam Ranh, TP.HCM cần phát triển và trở thành một trong những trung tâm dịch vụ logistics và đô thị cảng biển thông minh quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific). Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch phát triển TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Thứ ba, lĩnh vực ngân hàng và tài chính luôn là huyết mạch của nền kinh tế, của thương mại toàn cầu, nên sự hiện diện của trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM để tập trung nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia là vô cùng cấp bách. Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở và phát triển năng động, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, là nền tảng hệ thống tài chính tập trung và bền vững cho các công trình xây dựng quy mô lớn. Do đó, cần phát triển hướng vào 4 lĩnh vực cơ bản: Thúc đẩy hơn nữa quá trình tự do thương mại cả trong và ngoài nước, trong đó chú trọng xây dựng chiến lược đối tác với các IFC như Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc… Hình thành và phát triển mạnh mẽ quy mô thị trường với sản phẩm dịch vụ, tài chính đa dạng. Đồng thời chú trọng phát triển công nghệ tài chính (Fintech) nhằm tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế bền vững. Xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng vốn con người nhằm đảm bảo cho sự thành công của IFC. Hoàn thiện mô hình chính phủ điện tử để đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch cũng như tạo lập niềm tin vững chắc vào nền kinh tế thị trường công bằng cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Cùng với sự nỗ lực tối đa của TP.HCM, cùng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đột phá của Chính phủ trong việc phát triển mô hình đô thị mới, tin rằng, TP.HCM không chỉ luôn là đầu tàu kinh tế của đất nước mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc trong thời đại 4IR.

Đoàn Duy Khương