Thời sự

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác đấu giá đất

Ngọc Nga 22/08/2024 10:20

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg vào ngày 21/8/2024, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Công điện được gửi đến Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Tư pháp, Công an, và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Nội dung công điện nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, trong đó quy định rõ về đấu giá quyền sử dụng đất.

Mặc dù một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thành công, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, nhưng vẫn có hiện tượng giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, thậm chí có trường hợp cao bất thường đã được báo chí phản ánh. Điều này đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như thị trường nhà ở và bất động sản.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, làm trong sạch thị trường bất động sản và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát lại công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, công khai và minh bạch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn các hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

dau-gia-dat-ok.jpg
Các lô đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, Hà Nội có giá trúng lên đến hơn 133 triệu đồng/m2

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất và kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi. Đồng thời, xử lý và đề xuất xử lý các hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất gây nhiễu loạn thị trường, báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2024.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các trường hợp có giá đấu giá cao bất thường vừa qua đến mặt bằng giá đất, nhà ở, và thị trường bất động sản. Từ đó, chủ động điều tiết, đưa ra giải pháp xử lý hoặc đề xuất các giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan chức năng cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các hành vi cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh để trục lợi.

Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho các địa phương về các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Công điện này.

Công điện của Thủ tướng được ban hành 2 ngày sau phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội gây xôn xao dư luận khi lập kỷ lục mới về giá trúng. Cụ thể, các lô đất đã được đấu giá với mức giá trúng cao ngất ngưởng, thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2; giá trúng cao nhất lên đến… 133,3 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn 18 lần so giá khởi điểm ban đầu, chỉ ở mức 7,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá đạt gần 190 tỷ đồng, gấp 11 lần so với giá khởi điểm.

Trước đó, ngày 10/8, phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng ghi nhận mức giá trúng cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 6-8 lần so với giá khởi điểm. Những phiên đấu giá đất với mức giá tăng đột biến này còn gợi nhớ phiên đấu giá “vô tiền khoáng hậu” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vào cuối năm 2021. Thời điểm đó, các lô đất tại Thủ Thiêm có giá trúng thầu thấp nhất là 470 triệu đồng/m2 và cao nhất lên đến 2,44 tỷ đồng/m2, gấp 7-8 lần giá khởi điểm. Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp phải bỏ cọc sau đó.

Ngọc Nga