Thời sự

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ khởi công vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9

N.H 21/08/2024 18:00

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, với tổng vốn đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9/2024.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến đường huyết mạch thuộc trục cao tốc Bắc Nam, chạy qua tỉnh Bình Dương và Bình Phước.

Tuyến đường này có vai trò chiến lược, kết nối các vành đai quan trọng như Vành đai 4, Vành đai 3 và dẫn đến Vành đai 2 của TP.HCM, đồng thời nối tiếp với cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Có thể thấy, tuyến cao tốc này đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời củng cố an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đoạn qua tỉnh Bình Dương có điểm đầu dự án tại đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc địa phận TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối dự án tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km52 +247 theo lý trình dự án). Dự án dự kiến xây dựng dọc suối Cái (TP. Tân Uyên, Bình Dương).

Có chiều dài khoảng 52km, tuyến cao tốc này được thiết kế với tốc độ tối đa 100km/giờ, nhu cầu sử dụng đất khoảng 322,5 ha, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (loại hợp đồng dự án PPP).

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ có 4 làn xe, nghiên cứu thêm làn dừng khẩn cấp | Thời báo Tài chính Việt Nam

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang tập trung giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện các thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định.

Về khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ, dự án triển khai theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP, người sử dụng và Nhà nước…

Theo Cổng thông tin Bộ Xây dựng, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được áp dụng công nghệ BIM vào quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, các dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước như dự án mở rộng Quốc lộ 13, Đường tỉnh 743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bình Dương…

Công nghệ BIM là mô hình thông tin công trình, sử dụng mô hình ba chiều (3D) để tạo ra, phân tích và truyền đạt thông tin của công trình, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan quyết định, đánh giá xuyên suốt quá trình thiết kế và xây dựng; giúp các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 17.408 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư trên 8.878 tỷ đồng, chiếm 51% tổng mức đầu tư; vốn Nhà nước khoảng hơn 8.530 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ thi công hoàn thành vào năm 2027.

N.H