Thời sự

VASEP kiến nghị tháo gỡ bất cập khi thực hiện kiểm soát IUU và cấp giấy S/C

Nguyễn An 20/08/2024 10:43

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý), cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và đề xuất hỗ trợ tháo gỡ.

Nội dung công văn nêu rõ, trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất, xuất khẩu hải sản, để có được đầy đủ các hồ sơ xác thực cho mỗi lô hàng, cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã gặp rất nhiều các khó khăn, bất cập.

Đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến doanh nghiệp không có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Điều này đã hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang EU.

Cụ thể, theo VASEP có 5 bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C.

Thứ nhất, sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài “vùng khơi” chưa cải thiện tích cực. Thực tế, tàu vi phạm (nếu có) thường đa phần là từ vùng khơi, trong đó vùng khơi hiện nay do các lực lượng chấp pháp (Kiểm ngư, Hải quân hoặc Cảnh sát biển) quản lý.

Thứ hai, một số tàu khai thác chỉ vào cảng chỉ định để trình diện hồ sơ, sau đó đi về cảng khác để bốc dỡ nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp không xin được giấy S/C tại cảng chỉ định. Hơn nữa, hiện nay nhiều tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không cập cảng chỉ định.

Thứ ba, theo quy định, giấy phép khai thác chỉ được ghi nghề chính (ví dụ nghề lưới kéo), không được ghi nghề phụ (nghề tải) như trước đây. Do đó, nhiều tàu khai thác đi nghề tải nhưng trên giấy phép khai thác ghi nghề lưới kéo (do không được ghi thêm nghề phụ). Vì vậy, doanh nghiệp khi mua các lô hàng có nguồn gốc do tàu này khai thác thì không được cấp giấy S/C cho lô nguyên liệu của các tàu này.

Thứ tư, nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT) nên cuối cùng các doanh nghiệp cũng không được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu được. Dù VASEP đã báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi tháng 4/2024, và Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh có quản lý tàu thuyền, nhưng tình trạng này chưa được cải thiện nhiều.

Thứ năm, hiện nay, tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà Ban quản lý Cảng cá và Chi cục được cấp sử dụng.

66b168514ca353526683d69c_ca_ngu_medium.jpg
Các bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C khiến doanh nghiệp gặp khó khi làm hồ sơ xuất khẩu

Cũng theo VASEP, doanh nghiệp luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu EU.

VASEP cho biết đã có rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu.

Do đó, để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C và khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu hải sản, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh ven biển xem xét có chương trình (đầu tư, cải tạo) để gia tăng số lượng cảng cá đủ “chuẩn” được chỉ định, công bố - góp phần cơ bản giải toả nút thắt hiện nay khâu quản lý tàu cá cập bến và xác nhận nguyên liệu. Có sự đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối cảng và thiết bị cho các cảng cá đã được chỉ định hoặc công bố tương xứng với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, website của Cục Thủy sản cập nhật danh sách tàu vi phạm IUU, nhưng khi đưa một tàu ra khỏi danh sách, VASEP đề xuất Cục có thông báo chi tiết về thời gian rút, lý do để giúp doanh nghiệp thực hiện và cập nhật cho việc mua hàng và cả xác lập các căn cứ khác xung quanh các lô hàng liên quan.

Đồng thời, VASEP kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các quy định hoặc biện pháp hướng dẫn cho các chi cục, cảng cá… để doanh nghiệp khi đi mua nguyên liệu khai thác của ngư dân có thể biết được nguyên liệu đó là hợp pháp hay không để làm cơ sở cho việc cấp giấy S/C, C/C và có thể xuất khẩu sang EU.

Nguyên nhân là vì ngoài thông tin tàu “IUU” trên website của Cục Thủy sản, thì doanh nghiệp không có quyền kiểm tra dữ liệu giám sát hành trình. Dữ liệu này chỉ có Ban quản lý Cảng cá và Chi cục Thủy sản được truy cập.

Mặt khác, VASEP mong muốn tiếp tục có các chỉ đạo, hướng dẫn, thúc đẩy để các tỉnh thực hiện tốt các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 2 Thông tư 17/2028, 38/2018 về “Chứng nhận điều kiện an toàn thực phẩm” và “Cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm” cho các tàu cá.

Theo VASEP, tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản thu về hơn 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 6/2024 đạt mức cao nhất từ đầu năm tới nay khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng cao; trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%; riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm các loại mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ; trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt hơn 200 triệu USD, giảm 10%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh gấp 57 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 130 triệu USD.

Xét về thị trường, EU là khu vực có tăng trưởng xuất khẩu đột biến trong tháng 6 với mức tăng 40%. Lũy kế nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ càng tăng sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu. Hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao trong tháng 6/2024; trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 14%, sang Trung Quốc tăng 18%.

Nguyễn An