Giáo sư Võ Tòng Xuân qua đời
Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, GS-TS. Võ Tòng Xuân vừa qua đời vào lúc 7 giờ sáng ngày 19/8 tại TP.HCM.
Thông tin GS-TS. Võ Tòng Xuân qua đời được xác nhận bởi ông Võ Tòng Anh, con trai trưởng của GS-TS. Võ Tòng Xuân.
Trong 2 năm qua, sức khỏe của GS-TS. Võ Tòng Xuân không được tốt. Cuối năm 2022, ông được bác sĩ Viện Tim TP.HCM cứu thoát nguy kịch sau cơn nhồi máu cơ tim, xuất huyết tiêu hóa.
Trước đó, GS-TS. Võ Tòng Xuân đã phải điều trị tại bệnh viện trong nhiều tháng. Tuy nhiên, đến nay, dù được các bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc nhưng do tuổi cao, GS-TS. Võ Tòng Xuân đã không qua khỏi sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo.
GS-TS. Võ Tòng Xuân sinh ngày 6/9/1940 tại huyện Tri Tôn, An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI, Philippines).
Đến năm 1971, ông trở về nước và công tác tại Trường Đại học Cần Thơ. Sau đó, ông cùng với các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp tục thực hiện các đề tài liên quan đến kỹ thuật trồng lúa và công bố nhiều bài báo khoa học, phổ biến kỹ thuật và chính sách nông nghiệp.
Năm 1974, ông du học tại Trường đại học Kyushu, Nhật Bản với đề tài nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật trồng lúa tại vùng nhiệt đới và hoàn thành chương trình Tiến sĩ nông học tại đây vào năm 1975.
Ông được biết là một nhà giáo tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí.
GS-TS. Võ Tòng Xuân còn là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà cả thế giới.
Đồng thời, ông đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp cho vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, mang lại hiệu quả cao, được nông dân tin tưởng. Không chỉ vậy, với uy tín của mình, ông đã kêu gọi, vận động nhiều nhà khoa học Hà Lan sang Việt Nam với khát vọng ngọt hóa đồng bằng, biến vùng đất nhiễm phèn nặng của vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên trở thành vùng sản xuất lúa lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Bên cạnh đó, ông cũng là nhà khoa học có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (nay là Trung tâm Nghiên cứu canh tác Đồng bằng sông Cửu Long), tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng cho thế giới.
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng nông nghiệp, GS-TS. Võ Tòng Xuân đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với nông dân áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Những phát kiến của ông đã ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ngoài trọng trách Hiệu trưởng và Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, ông còn từng đảm nhận vị trí Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.
Ngoài ra, GS-TS. Võ Tòng Xuân cũng là thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) tổ chức, giữ vai trò "cầm cân nảy mực" của Giải thưởng từ năm 2011 đến năm 2019.
Với những cống hiến của mình, GS-TS. Võ Tòng Xuân được Nhà nước phong giáo sư Nông học năm 1980, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985 và Nhà giáo nhân dân năm 1999 và là đại biểu Quốc hội khóa II, III, IV. Ông còn được Chính phủ Nhật Bản trao tặng "Huân chương Mặt trời mọc Tia sáng vàng và Ruy băng cổ" bởi những đóng góp lớn trên nhiều lĩnh vực.
Gần đây nhất, vào năm 2023, ông được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Dự kiến, tang lễ của GS-TS. Võ Tòng Xuân sẽ được tổ chức tại Cần Thơ, nơi ông có nhiều năm gắn bó trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, sau đó đưa đi an táng tại khu mộ gia tộc họ Võ ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.