Thời sự

TP.HCM kiến nghị Chính phủ về bảng giá đất

Nguyễn An 19/08/2024 09:37

UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ về việc hướng dẫn việc tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ sau ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành đến khi ban hành Bảng giá đất điều chỉnh.

Được biết, TP.HCM hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8/2024 đến thời điểm bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành.

Cụ thể, từ ngày 1/8/2024, nếu áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND mà không nhân với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 thì không phù hợp điều kiện giá đất thực tế hiện nay tại địa phương. Còn nếu tiếp tục áp dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND nhân với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 thì chưa được quy định hướng dẫn thực hiện.

Chính vì vậy, nhằm tránh ách tắc trong quá trình giải quyết hồ sơ liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai phát sinh trong giai đoạn từ ngày 1/8/2024 đến khi bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại Luật Đất đai 2024 được ban hành, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giải quyết nội dung vướng mắc nêu trên để TP.HCM có cơ sở thực hiện.

thuthiem-zing.jpg
UBND TP.HCM đã gửi kiến nghị hướng dẫn cách giải quyết các hồ sơ bị ách tắc liên quan Bảng giá đất

Hiện, TP.HCM đang khẩn trương lấy ý kiến bảng giá đất. Theo UBND TP.HCM, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Tuy nhiên, việc xây dựng bảng giá đất này tại TP.HCM bị giới hạn bởi quy định về khung giá. Cụ thể đơn giá đất của bảng giá đất cho khu vực đô thị đặc biệt tối đa chỉ là 162 triệu đồng/m2 nên bảng giá đất của Thành phố theo Luật Đất đai năm 2013 trong nhiều năm gần đây không còn phù hợp và không phản ánh đúng tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Do đó, UBND TP.HCM hằng năm đều trình Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (K) để áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực địa bàn có điều kiện, kinh tế xã hội khác nhau, từng mục đích sử dụng đất nên đã phần nào giải quyết phù hợp các hồ sơ về nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, từ ngày 1/8/2024 (Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành) không có quy định việc UBND TP.HCM hằng năm trình HĐND thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (K) như Luật Đất đai năm 2013 nên bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8/2024 sẽ không áp dụng nhân hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024.

Từ cơ sở trên, UBND TP.HCM nhận thấy việc sửa đổi, điều chỉnh bảng giá đất được xây dựng theo Luật Đất đai năm 2013 (Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND) là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại TP.HCM và từng bước tiếp cận với giá thị trường sẽ được ban hành từ ngày 1/1/2026 theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Vì vậy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, phối hợp điều chỉnh Bảng giá đất theo Nghị định số 71/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng đã tổ chức đối thoại, lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng đất và Hội nghị phản biện xã hội do Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về quy định liên quan đến bảng giá đất, hệ số K theo luật Đất đai 2024 trước những lo ngại của người dân về dự thảo bảng giá đất mới do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra. Theo HoREA, TP.HCM cần nghiên cứu, đánh giá lại kỹ càng việc xây dựng bảng giá đất mới để tránh ảnh hưởng đến người dân, môi trường đầu tư trên địa bàn bởi chi phí đất đai là một trong những chi phí lớn nhất khi triển khai dự án.

Nguyễn An