Thời sự

TP.HCM kiến nghị nhiều vấn đề đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

H.Ng - Ảnh: Hoàng Hùng 17/08/2024 20:34

Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, TP.HCM kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề, trong đó, xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.

Tại buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 17/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo tình hình kinh tế TP.HCM trong nhiệm kỳ này. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giảm dần trong những năm qua do các động lực tăng trưởng đang có vấn đề và cần phải có những cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

toan-canh.jpg

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ này, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TP.HCM đến năm 2025.

Cụ thể, năm 2024, TP.HCM phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP ít nhất 7,5% và năm 2025 từ 8%-8,5%. Tỉ trọng kinh tế số năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%. TP.HCM phấn đấu để đến cuối năm 2025, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) đạt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố. Hệ thống hạ tầng TP.HCM và kết nối với các vùng lân cận chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Thành phố và khu vực Đông Nam bộ. TP.HCM là đô thị đặc biệt nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế, dẫn đến việc không khơi dậy được sự năng động và sáng tạo cần thiết. Nhiều nguồn lực của Nhà nước và tư nhân chưa được đưa vào hoạt động kinh tế...

chu-tich-nuoc.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy TP.HCM phát triển hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị, cho phép Thành phố được rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền những vấn đề tồn đọng để giải quyết. Điển hình như vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các vụ việc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng... Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, những vấn đề tồn đọng này nếu được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của TP.HCM.

TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư và trở thành đầu mối giao lưu với các vùng trong cả nước và quốc tế, giữ vai trò quan trọng trong phát triển vùng. Đến nay, Thành phố hợp tác phát triển kinh tế, xã hội với 36 địa phương trong cả nước. Các doanh nghiệp Thành phố cũng đã đầu tư và góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân các địa phương và giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến TP.HCM.

Thành phố được quy hoạch cho vai trò trung tâm của một vùng với khoảng trên 30 triệu người vào năm 2030, đặc biệt là khả năng kết nối vùng của hệ thống giao thông, chất lượng đô thị đặc biệt hấp dẫn, là trung tâm thu hút đầu tư, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm về khoa học công nghệ và điểm đến du lịch trọng yếu của cả vùng. Tuy nhiên, nhiều năm qua TP.HCM chưa phát huy được vị trí, vai trò trong liên kết vùng.

Lý do là cơ chế, chính sách chưa được hình thành đồng bộ, đầy đủ, nhất là trong huy động nguồn lực cho các dự án quy mô vùng. Khuôn khổ thể chế cho hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa tạo hình thức và động cơ để các địa phương trong vùng chủ động, năng động, sáng tạo trong các hoạt động phát triển vùng.

pvm(1).jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Trung ương quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy TP.HCM phát triển hơn

Cùng với đó, bộ máy điều phối vùng chưa hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy quản lý theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế với những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng.

Những điều này dẫn đến sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng.

Việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương. Thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm. Một số thể chế quản lý tạo ra sự chèn lấn vai trò giữa Trung ương và TP.HCM.

Không chỉ vậy, các cơ sở dữ liệu thông tin quản lý buộc phải tập trung đầu mối và theo chuẩn thiết kế của Trung ương trong khi Thành phố lại có những đặc thù và yêu cầu riêng... Mặt khác, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các thể chế, chính sách đặc thù.

Vì vậy, TP.HCM kiến nghị đến đoàn công tác của Trung ương Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng đoàn xem xét, cho phép xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt.

Thành phố cũng kiến nghị các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn.

mai.jpg
Lãnh đạo TP.HCM trong buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Cùng với đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi bằng việc xây dựng các cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của các vùng.

Việc phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TP.HCM cần đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.

Sau báo cáo và kiến nghị của TP.HCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Bộ Chính trị đang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Ông cũng chỉ đạo các vấn đề về cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế, hạ tầng, y tế, giáo dục... tại TP.HCM.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nguồn lực của TP.HCM rất lớn. Thành phố có lợi thế đầu tàu kinh tế nên phải sử dụng, giải phóng được nguồn lực tài chính trong dân, phục vụ cho phát triển kinh tế. Thành phố cần làm rõ nguyên nhân có tiền không tiêu được là do chính sách, pháp luật, cơ chế hay nguyên nhân nào khác.

"Chúng ta có tiền không tiêu được, giải ngân Thành phố rất thấp, đấy là trăn trở. Cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội còn rất nhiều. Phải xem xét lại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hợp tác công tư... như thế nào để giải phóng nguồn lực này", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề.

Với các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Thành phố để giải quyết. "Tinh thần là tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa", ông nói.

H.Ng - Ảnh: Hoàng Hùng