Quốc tế

Thủ đô mới của Indonesia bắt đầu thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Văn Phúc 17/08/2024 - 16:26

Từ ngân hàng tư nhân lớn nhất Indonesia đến hãng sản xuất bồn cầu của Thái Lan, thủ đô mới Nusantara của xứ vạn đảo đang thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều từ nhà đầu tư, nhất là sau khi tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cam kết ủng hộ và sẽ hoàn thành kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính này.

Ngân hàng Central Asia là một trong bốn công ty địa phương, đã khởi công dự án tại Nusantara vào ngày 12/8, với vốn đầu tư hơn 4 nghìn tỷ rupiah (tương đương 250 triệu USD). Buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo.

z5740083063245_52448ada1195e232ed10e009a960d369.jpg
Quy hoạch thủ đô mới Nusantara của Indonesia - Ảnh: Medium

Ông Joko Widodo cũng chủ trì lễ khởi công xây dựng một trung tâm hội nghị và khu phức hợp khách sạn trị giá 100 triệu USD, rộng 12 hectares do tập đoàn Royal Golden Eagle Group xây dựng, và một khách sạn 3 sao thuộc chuỗi Swiss-Belhotel được công ty bất động sản Hotel Papua Internasional phát triển.

Một công ty phát triển bất động sản khác, là Intiland Development, có kế hoạch đầu tư ít nhất 150 triệu USD, để xây dựng cơ sở vật chất - bao gồm căn hộ, nhà chung cư, nhà văn phòng, trung tâm bán lẻ và khu nghỉ dưỡng chơi golf.

Một quan chức Intiland nói: “Chúng tôi và đối tác chiến lược rất vinh dự, khi được đóng góp vào sự phát triển của Nusantara.”

Tổng thống Joko Widodo cho biết đến nay, khu vực tư nhân đã cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD thông qua 55 dự án tại Nusantara, như xây dựng bệnh viện, cơ sở giáo dục và trung tâm hậu cần.

Tuần này, dự án khách sạn Swissotel Nusantara, sẽ mở cửa đón khách tham dự lễ kỷ niệm ngày độc lập 17/8 của Indonesia tại thủ đô mới. Khách sạn 5 sao trên, được xây dựng bởi công ty phát triển bất động sản địa phương Agung Sedayu Group.

Số tiền cam kết đầu tư như ông Joko Widodo công bố, vẫn cách xa mục tiêu của chính phủ là huy động khoảng 30 tỷ USD, để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Nusantara. Chính phủ hy vọng khoảng 30% trong số này, sẽ đến từ doanh nghiệp nhà nước.

Theo một số báo cáo, thiếu vốn từ khối tư nhân là lý do quá trình xây dựng thủ đô mới chậm tiến độ. Điều này được phản ánh rõ nét, khi chính phủ tuyên bố khách mời tham dự lễ độc lập 17/8 sẽ giảm từ 8.000 người xuống 1.300 người. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài cũng không được mời.

Đến nay, phần lớn cam kết đầu tư đều do công ty trong nước thực hiện. Tuy nhiên sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài đang tăng. Chính phủ hỗ trợ hợp đồng thuê đất lên đến 80 năm, có thể gia hạn thêm 80 năm nữa. Đây là hợp đồng dài nhất từng được thực hiện ở Indonesia. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng được ưu đãi thuế.

Ông Somkul Boonma, giám đốc tiếp thị công ty Cotto từ Thái Lan nói: “Thủ đô mới của Indonesia mang đến cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của đô thị này.”

Nippon Koei - công ty tư vấn xây dựng lớn nhất Nhật Bản, đã tư vấn về kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn và bảo vệ môi trường tại Nusantara. Giám đốc Tomonori Sakashita của chi nhánh Indonesia nói: “Nhìn về phía trước, chúng tôi muốn hỗ trợ phát triển mô hình thành phố thông minh tại Nusantara. Hầu hết công ty Nhật Bản đang chờ đợi và quan sát. Nhưng tôi nghĩ rằng, một khi cơ sở hạ tầng cơ bản được đưa vào hoạt động, nhiều công ty sẽ cam kết đầu tư.”

Theo các quan chức phụ trách đầu tư của thành phố Nusantara, ít nhất 24 công ty đến từ 11 quốc gia, như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, đã thể hiện sự quan tâm trong việc giúp đỡ phát triển mô hình đô thị thông minh.

Nếu tính tất cả lĩnh vực, Nusantara nhận được sự quan tâm từ khoảng 475 công ty, trong đó phần lớn là nội địa, cùng với 32 doanh nghiệp Trung Quốc, 30 doanh nghiệp Singapore, 26 doanh nghiệp Nhật Bản và 25 doanh nghiệp Malaysia. Trong số 475 công ty này, khoảng 1 nửa là nhà đầu tư thật sự. Phần còn lại là nhà thầu, cung cấp nguyên vật liệu hoặc cố vấn.

Văn Phúc