Du lịch

Di sản Trường Lưu, còn lại chút này

Nguyễn Văn Mỹ (*) 17/08/2024 - 15:56

Không gian Trường Lưu đậm đặc văn hóa suối nguồn di sản. Tôi đã run run tay, rưng rưng cảm xúc, ôm vào lòng “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Hoàng hoa sứ trình đồ”. Ngẩn ngơ trước những di sản đồ sộ, tiếc nuối và băn khoăn vì thời gian tàn nhẫn và con người hành xử vô tâm.

Núi Hồng Lĩnh, biểu tượng của Hà Tĩnh, có chùa Hương Tích, khởi dựng đầu thế kỷ XIII và hai làng nổi tiếng. Phía Tây có họ Nguyễn làng Tiên Điền, phía Đông có họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu, tạo thành “Hồng Sơn văn phái” với ba tuyệt tác Truyện Kiều (Nguyễn Du 1766-1820), Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự 1743-1790), Mai đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ 1783-1841) cùng nhiều tác phẩm bất hủ, nâng lục bát dân gian thành văn chương bác học.

sac-phong-cho-nguyen-huy-oanh.jpg
Sắc phong cho Nguyễn Huy Oánh

Trường Lưu xưa, thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, Nghệ An; nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh; hình thành cuối thế kỷ XV.

Từ khi Thám hoa, Thượng thư, Quốc tử Giám Tế tửu Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) và con trai Nguyễn Huy Tự, hưu quan, về làng cuối thế kỷ XVIII; Trường Lưu vang danh khắp nước. Làng xưa rộng 412ha; có Bát cảnh gồm “Quan thị triêu hà, Phượng sơn tịnh chiếu, Hân tự hiểu chung, Nghĩa Thương vãn thác, Cổ miếu âm dung, Liên trì nguyệt sắc, Thạc tính tuyền hương, Nguyễn trang hoa mỵ”.

Di sản ký ức tư liệu thế giới

Trường Lưu có 3 di sản thuộc chương trình ký ức tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) gồm “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Hoàng hoa sứ trình đồ” và “Tư liệu Hán Nôm Trường Lưu” (1689-1943).

hon-300-moc-ban-truong-luu-tu-tk-18-con-luu-giu-o-truong-luu.jpg
Hơn 300 mộc bản Trường Lưu từ thế kỷ XVIII còn lưu giữ ở Trường Lưu

Chẳng quản làng xa, cách Thăng Long mấy ngày đường, hàng trăm sĩ tử khắp nơi, tìm về “Trường học Phúc Giang” tầm sư học đạo, dùi mài kinh sử và lập thân. Phúc Giang đã đào tạo hơn 30 tiến sĩ và nhiều danh nhân đất nước; tạo dựng Bát cảnh, khởi tạo hát ví phường Vải, cùng nhiều sinh hoạt, sáng tác, giao lưu...

Mộc bản (bảng gỗ để in sách), bằng chữ Hán Nôm, khắc ngược trên gỗ thị. Trước, có khoảng 3.000 bản, nay còn chừng 10%. Mỗi bản dày 30cm, rộng 18cm, dày 3cm. Nét chữ sắc sảo, khoáng đạt, văn phong chuẩn mực. Mấy bản bị mối mọt, chữ mờ...

gs-nguyen-huy-my-hau-due-dong-ho-nguyen-duy-gioi-thieu-sach-hoang-hoa-su-trinh-do-voi-ban-tre.jpg
GS. Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ dòng họ Nguyễn Duy giới thiệu sách Hoàng Hoa Sư Trình Đồ với bạn trẻ

“Hoàng hoa sứ trình đồ”, sách ghi chép bằng bản đồ, hình ảnh, thông tin hành trình Sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII do Thám hoa, Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính, chú thích từ các tài liệu về chuyến đi sứ năm 1765-1767.

Sách khổ 30x20x2cm, in giấy dó 3 màu; gồm các phần “Hoàng hoa dịch lộ đồ thuyết, Lưỡng kinh trình lộ ca, Sứ trình bị khảo, Quốc tự thần kinh tiến hành lục lộ, Đồ bản từ trấn Nam Quan đến Bắc Kinh, Bắc sứ thủy lộ trình lý số, Kinh thành, Lưỡng kinh trình lộ ca” thể hiện tài năng, nhãn quan tinh tế, nhạy bén; cảm nhận thiên nhiên, con người, thời cuộc. Sách rách mất mấy trang, chưa phục hồi được.

Di sản vật thể

Trường Lưu có 4 di tích quốc gia. Mộ và nhà thờ Nguyễn Huy Oánh, đền thờ Nguyễn Huy Tự, đền thờ Nguyễn Huy Hổ, nhà thờ Nguyễn Huy Cự.

Nguyễn Huy Oánh, là “Phúc Giang Thư viện Uyên bác Cai hạp Hiệu dụng Đoan túc Doãn ý Trác vĩ Thượng đẳng tôn thần”, thờ ở đền Thư Viện, trong vườn Bao Đạc, mộ ở Rú Phượng

Đền thờ Nguyễn Huy Tự, kết cấu chữ Nhị gồm Thượng và Hạ điện, quanh vườn rào dậu, có ba cây lộc vừng hơn 100 tuổi. Bên trong có hai nhà bia, cùng nhiều câu đối, bản gỗ sơn son thiếp vàng, sập gỗ, ván khắc in sách... Mộ phía sau Rú Bụt.

Đền thờ Nguyễn Huy Hổ, giữa vườn Bao Đạc của Nguyễn Huy Oánh (từ 1748); có nhiều câu đối, bảng sơn son thiếp vàng, bảng gỗ khắc gia phả... Mộ trong lăng chi họ Hầu Lang ở Rú Cà.

Nhà thờ Nguyễn Huy Cự (1707-1775), Thành hoàng Trường Lưu, là Khanh Thông Chương đại vương từ.

Di tích Mộ Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), Thành hoàng, người đặt ruộng khoa danh xứ Cồn Hiên, khuyến khích con cháu học hành và hai nhà thờ Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Quýnh; đang đề nghị cấp quốc gia.

Trường Lưu còn có 8 di tích cấp tỉnh.

Những dấu ấn khác

Dân Trường Lưu có tục gửi con kèm văn khấn, hương hoa vào nhà thờ Đức bà Nguyễn Thị Hộ dịp rằm tháng ba âm lịch. Khi có người đau ốm, thường có lễ xin thuốc Đức Bà tại nhà thờ Đại tông Nguyễn Công Ban, “cầu đức Ngài”; là tục thờ Tiên Thánh phổ biến.

Lễ Kỳ Phúc tháng sáu am lịch có nhiều trò xưa. Ngày 13, đại lễ. Ngày 14, rước các thần về nơi thờ cúng và đình làng. Đền Rú rước Thần Nam nhạc đại vương. Đền Cả rước Thần Cao Sơn Cao Các. Chùa Hân rước Thần Song Đồng Ngọc Nữ. Đền Thư viện, rước Thần đền Thư viện Nguyễn Huy Oánh), qua nhà thờ họ Lục chi; chờ cùng rước Thành hoàng Nguyễn Huy Tựu; từ Đại vương rước Khanh Thông chương Nguyễn Huy Cự và rước Đức bà Nguyễn Thị Hộ từ nhà thờ Đại tông họ Nguyễn Huy Trường Lưu (các vị nhân thần).

Buổi tế Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Tự; 4 phúc thần làm vẻ vang Trường Lưu; trước giỗ một ngày, nhằm tôn vinh tinh thần học tập, truyền thống tôn sư trọng đạo, tinh hoa “đất học”, “thi thư lễ nghĩa”.

nghe-da-thoi-le-trung-hung-o-nha-tho-nguyen-huy-tu.jpg
Nghê đá thời Lê Trung Hưng ở nhà thờ Nguyễn Huy Tự

Trường Lưu mai một nghề trồng dâu dệt vải, nhưng hát Ví phường Vải được dân làng gìn giữ, phát huy và tổ chức diễn chèo. Các nhà thờ họ ở Trường Lưu và một số gia đình đang lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm quý hiếm như: Sắc phong, văn bản hành chính, trướng, bia, hoành phi, bảng gỗ, câu đối, gia phả, văn cúng, sách cổ...

Trong gần 1.000 tư liệu, có 173 tư liệu gốc hoặc bản sao duy nhất bằng chữ Hán và Nôm, trên giấy dó, giấy dó đặc biệt, lụa, gỗ, tường vôi và đá; từ 1688-1943. Trong114 tờ sắc; có 26 bản gốc các họ Nguyễn Huy, Trần Văn, Hoàng Văn… từ năm 1688-1935.

Có 19 tờ văn bằng liên quan từ năm 1803-1943 gồm bằng, tấu, sao lục, sức và bẩm... bằng giấy dó, viết tay, có dấu mộc nhà nước. Có 3 bức trướng bằng lụa từ năm 1772 và 15 bia ký từ năm 1748. Có 28 tập gia phả, 23 tập (14 tập chữ Hán, giấy dó) từ năm 1787. 14 dòng họ khác có gia phả chữ Hán. Có 21 tập văn cúng (7 tập chữ Hán) và khoảng 200 đầu sách cổ chưa được biên dịch, phân loại.

Hàng trăm hoành phi, bảng gỗ, câu đối trong làng. Ba bảng “Thiên Nam cư sĩ”, “Đẩu Nam tuấn dự”, “Võ khố hùng lược” của nhà Thanh tặng Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự; Cờ biển triều đình tặng Nguyễn Huy Oánh, thơ khắc trên núi ở thác Vũ Môn (Hương Khê)...

Đề xuất

Không gian Trường Lưu đậm đặc văn hóa suối nguồn di sản. Tôi đã run run tay, rưng rưng cảm xúc, ôm vào lòng “Mộc bản trường học Phúc Giang”, “Hoàng hoa sứ trình đồ”. Ngẩn ngơ trước những di sản đồ sộ, tiếc nuối và băn khoăn vì thời gian tàn nhẫn và con người hành xử vô tâm.

Bát cảnh Trường Lưu chỉ còn giếng Thạc. Ao Nghĩa Thương đào lại quá nhỏ, chợ Quan chưa đúng chỗ… Vì nhiều lý do, một số cá nhân, dòng họ có tư liệu nhưng không công bố.

Trường Lưu hiện có diện tích 362,4ha; hơn 1.700 dân. Cảnh vật rất khác xưa. Đáng mừng, Hà Tĩnh đã có đề án “Qui hoạch, xây dựng làng Văn hóa Trường Lưu”...

(*) Lửa Việt Tours

Xin mạo muội góp mấy kiến giải chủ quan.
- Đổi tên dự án Làng Văn hóa thành Làng Văn hiến.
- Tổng kiểm kê gia tài di sản văn hóa Trường Lưu.
- Phục dựng tối đa làng xưa với trường học Phúc Giang và
Bát cảnh Trường Lưu.
- Bảo trì các mộc bản, sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” và các tư liệu, hiện vật khác, không để xuống cấp thêm. Có nơi trưng bày tươm tất để du khách chiêm ngắm, tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm.
- Biên dịch toàn bộ, làm bản sao lưu giữ. Sưu tập tư liệu truyền khẩu thành văn bản. Sàng lọc các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian.
Chọn lọc, xây dựng thành một số sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch. Làm bản đồ du lịch Trường Lưu và các bảng chỉ đường từ xa. Nâng cấp giao thông. Nên đi bộ hoặc đi xe đạp vào làng.
Rất cần sự hợp lực, đóng góp vật chất lẫn trí tuệ của người Việt khắp nơi, để Trường Lưu thành “Làng Văn hiến 102” của
Việt Nam và thế giới.

Nguyễn Văn Mỹ (*)