Quốc tế

Thị trường tài chính toàn cầu: Sự hỗn loạn sẽ chưa dừng lại?

Khả Hân 17/08/2024 - 15:55

Với lãi suất đồng Yên ở mức cực thấp, các nhà đầu tư đã vay mượn đồng Yên và đầu tư vào các tài sản có khả năng mang lại lợi suất cao hơn (carry trade). Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ được đảm bảo khi đồng Yên không tăng giá quá mạnh và lãi suất đồng Yên cũng ổn định.

tttc.jpg

Thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn

Đầu tuần này, thị trường chứng khoán từ Á Âu sang Mỹ đều lao dốc không phanh. Đơn cử như chỉ số Nikkei 225 và Topix tại Nhật Bản giảm 13%, xác nhận thị trường giá xuống và đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ ngày "Thứ 2 đen tối" năm 1987. Các thị trường chính khác của châu Á cũng chịu tổn thất nặng nề, với Kospi của Hàn Quốc, Hang Seng của Hồng Kông và ASX 200 của Úc đều giảm từ 3% đến 11%.

Bên kia Thái Bình Dương, chỉ số Dow Jones rớt 1.034 điểm, tương đương 2,6%; chỉ số Nasdaq mất hơn 3,4% còn chỉ số S&P 500 giảm 3%, trong đó cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Các thị trường tài sản khác như vàng hay tiền số cũng không tránh khỏi cảnh bán tháo, trong khi chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên ở mức 38, sau khi tăng lên mức cao tới 65, mức cao nhất kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Làn sóng bán tháo dữ dội đã quét qua thị trường tài chính toàn cầu trong những ngày gần đây, khiến các nhà đầu tư và chuyên gia hoang mang.

Chỉ trong vòng ba tuần qua, khoảng 6.400 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nỗi lo ngại lan rộng trước viễn cảnh nếu làn sóng bán tháo không sớm được kiểm soát, có thể làm tắc nghẽn hệ thống tài chính và kênh tín dụng, đẩy nền kinh tế toàn cầu chính thức bước vào cuộc suy thoái.

Trên thị trường tiền tệ, sau khi suy yếu xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 162 so với USD, đồng Yên Nhật đã hồi sinh khi bật tăng mạnh mẽ trở lại, với mức tăng giá lên đến 10% trong 3 tuần qua, lên mức 145 Yên ăn 1 USD ở thời điểm hiện tại. Ở chiều ngược lại, một loạt đồng tiền của các thị trường mới nổi, từ đồng Real của Braxin cho đến Peso của Mexico bị bán tháo dữ dội và có lúc gần như mất thanh khoản.

Mọi chuyện bắt đầu từ đầu tháng 7, khi đồng Yên bất ngờ tăng giá mạnh sau chuỗi giảm liên tiếp kéo dài suốt 3 năm rưỡi qua. Trước áp lực mất giá mạnh mẽ của đồng Yên như vậy gây tác động xấu đến nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có 3 đợt bán USD ra với giá trị lên đến 100 tỷ USD để ngăn chặn đà lao dốc của đồng Yên, nhưng vẫn không thể xoa dịu tình hình. Trước tình hình đó, các nhà đầu tư với linh cảm nhạy bén, đã nhanh chóng nhận ra khả năng BOJ sắp nâng lãi suất tiếp.

Khi BOJ hành động

Và thực tế là trong ngày 31/7, BOJ đã quyết định tăng lãi suất 15 điểm cơ bản lên 0,25%, đồng thời cho biết sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu từ 6.000 tỷ Yên mỗi tháng hiện tại xuống còn 3.000 tỷ Yên. Đây là lần thứ hai trong năm nay BOJ nâng lãi suất, khi trước đó vào tháng 3, cơ quan này đã nâng lãi suât từ mức -0,1% lên 0-0,1%, đánh dấu lần nâng lai suất đầu tiên sau 17 năm.

Động thái thắt chặt tiền tệ của Nhật Bản trái ngược với hàng loạt nền kinh tế lớn khác. NHTW châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đều được dự báo giảm lãi suất trong phiên họp tháng 9 này. Đáng lưu ý là động thái của BOJ đã khiến các nhà đầu tư phải vội vàng thoát khỏi các giao dịch liên quan tới chênh lệch lãi suất (carry trade), tạo ra một làn sóng áp lực lan tỏa khắp thị trường toàn cầu.

yen.jpg
Diễn biến cặp tỷ giá USD/JPY từ năm 2021 đến nay

Từ trước đến nay, với lãi suất đồng Yên ở mức cực thấp, các nhà đầu tư đã vay mượn đồng Yên để đầu tư vào các tài sản có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn, từ chứng khoán, tiền số, thị trường hàng hóa, cho đến các loại tiền tệ khác có lãi suất cao hơn (carry trade) như đồng Peso Mexico và đồng Real Braxin. Đây là chiến lược giao dịch phổ biến trong những năm gần đây, tuy nhiên lợi nhuận chỉ được đảm bảo khi đồng Yên không tăng giá quá mạnh và lãi suất đồng Yên cũng ổn định.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả các ngân hàng, công ty quản lý tài sản và các tổ chức tài chính khác cũng đã mạnh dạn vay bằng đồng Yên Nhật. Họ được khuyến khích bởi chính sách lãi suất âm của Nhật Bản sau khi các NHTW phương Tây bắt đầu tích cực tăng lãi suất để chống lạm phát.

Nhưng thời thế đã thay đổi, khi BOJ đã 2 lần tăng lãi suất từ tháng 3 đến nay và chưa biết sẽ còn tiếp các đợt tăng nào trong tương lai nữa hay không. Do đó, nhiều nhà đầu tư vội vàng thoát khỏi các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất ở đồng yên để tránh rủi ro, kéo theo tình trạng bán tháo trên các thị trường. Mọi thứ còn trầm trọng hơn khi các nhà đầu tư bán khống đồng Yên trước đây cũng vội vàng mua lại, càng đẩy giá đồng Yên tăng vọt và càng kích thích các nhà đầu tư nhanh chóng bán các tài sản khác để chuyển đổi sang đồng Yên nhằm tránh rủi ro tỷ giá và các lệnh yêu cầu tăng ký quỹ.

Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), vào đầu tháng 7, các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư đầu cơ đang nắm giữ hơn 180.000 hợp đồng đặt cược vào đà giảm của đồng Yên, trị giá hơn 14 tỷ USD. Đến tuần trước, con số này đã giảm xuống còn khoảng 6 tỷ USD.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính đến tháng 3, các ngân hàng Nhật Bản đã cho vay khoảng 1.000 tỷ USD cho các bên vay nước ngoài bằng đồng Yên, tăng 21% so với năm 2021.

Với quy mô lớn như vậy, mọi thứ có thể sẽ chưa sớm dừng lại. Giới phân tích cũng cho rằng hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất ở đồng Yên đã diễn ra từ năm 2020-2021, vì vậy nó sẽ không biến mất trong ngày một ngày hai. Theo đó, hoạt động đóng các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất trên các thị trường có thể chỉ mới hoàn thành ở mức nào đó từ 50% đến 60%. Điều này có nghĩa là các thị trường tài chính sẽ còn biến động khó lường trong giai đoạn tới.

Một yếu tố khác có thể thúc đẩy đà tăng của đồng Yên là việc các nhà đầu tư tiến hành phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Những năm qua, việc phòng ngừa rủi ro tiền tệ trở nên rất tốn kém. Điều này khiến nhiều bên vay có thể đã chọn không phòng ngừa, nhưng giờ đây khi rủi ro gia tăng, nếu các nhà đầu tư vội vàng thực hiện biện pháp phòng ngừa rủi ro sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với đồng Yên.

Dù vậy, với lãi suất của đồng Yên vẫn thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác, hoạt động carry trade ở đồng Yên có thể sẽ sớm trở lại, bất chấp rủi ro đã gia tăng và lợi nhuận tiềm năng không còn hấp dẫn như trước.

“Về định hướng chính sách của BOJ, các chuyên gia cũng cho rằng với lạm phát tăng sẽ mở đường cho cơ quan này tiếp tục nâng lãi suất lần nữa vào đầu năm tới”.

Khả Hân