Thời sự

Việt Nam thuộc top 15 nước có tỉ lệ nam giới hút thuốc nhiều nhất

N.H 13/08/2024 - 16:49

Sáng 13/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới.

img_2103(1).jpg

Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN sau Indonesia và Lào.

Số liệu của Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Theo Bộ Y tế, thuế và giá thuốc lá hiện nay ở mức rất thấp đã dẫn đến tình trạng người dân, bao gồm cả trẻ em, vẫn dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá.

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, tuy nhiên, mức tăng mỗi lần đều khá khiêm tốn, chỉ 5%, và khoảng cách giữa các lần tăng thuế lại kéo dài.

Cụ thể, năm 2008, thuế suất được nâng từ 55% lên 65%. Tám năm sau, vào năm 2016, thuế suất tăng từ 65% lên 70%, và đến năm 2019, mức thuế này tiếp tục tăng lên 75%. Dù vậy, tổng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá hiện chỉ chiếm 38,8%.

Do đó, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thậm chí còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Thị trường thuốc lá tại Việt Nam có khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá và tăng tỉ trọng thuế theo khuyến nghị của WHO, như đã nêu trong Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối nên đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu/bao) vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ 75%.

Phương án này sẽ giúp tỉ trọng thuế chiếm 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và hỗ trợ giảm tỉ lệ nam giới sử dụng thuốc lá xuống còn 36% vào năm 2030.

Trong năm 2023, ngành sản xuất thuốc lá tại Việt Nam tiếp tục duy trì giá trị sản xuất ở mức cao, với ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của ngành này bắt đầu có dấu hiệu chậm lại do các biện pháp kiểm soát từ Chính phủ như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hay các chiến dịch hạn chế hút thuốc lá. Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá vẫn duy trì ở mức đáng kể, đặc biệt là trong nhóm nam giới trưởng thành.

Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá vào cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ước tính, tại Việt Nam, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

N.H