Thời sự

HoREA đề nghị chưa ban hành bảng giá đất mới

Bạch Khởi 12/08/2024 - 12:14

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về quy định liên quan đến bảng giá đất, hệ số K theo luật Đất đai 2024 trước những lo ngại của người dân về dự thảo bảng giá đất mới do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đưa ra.

Cụ thể, HoREA đề nghị bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và các quy định pháp luật có liên quan được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này hoặc Luật Đất đai số 45/2013/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố thông tin về dự thảo bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến ngày 31/12/2024. Việc ban hành bảng giá đất mới nhằm chấp hành nghiêm quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 bởi bộ luật này không còn quy định về hệ số điều chỉnh giá đất và phải cập nhật giá đất tái định cư, nếu không ban hành Bảng giá đất điều chỉnh sẽ dẫn đến tắc nghẽn việc xác định nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư.

Tuy nhiên, HoREA nhận thấy cách hiểu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khi ban hành dự thảo bảng giá đất điều chỉnh với thời gian áp dụng quá gấp từ 1/8/2024, ngay khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực, với mức tăng cao đột biến.

Trong đó có 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí trên 30 lần, cá biệt có một số vị trí đất tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần. Việc giá đất tăng quá cao đã tác động rất lớn đến khả năng chi trả của người dân. Ngoài ra, trước khi ban hành, TP.HCM lại không lấy ý kiến, thông tin rộng rãi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn biết và góp ý.

bang-gia-dat-moi.jpg
HoREA đề nghị áp dụng bảng giá đất hiện hành từ nay đến ngày 31/12/2025, để người dân chuẩn bị tài chính và thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ, sổ hồng

Chính vì vậy, việc TP.HCM đưa ra lý do để ban hành bảng giá đất mới được HoREA nhận thấy là chưa thỏa đáng, khiến các thủ tục nhà đất bị đình trệ. HoREA cho rằng, TP.HCM cần nghiên cứu, đánh giá lại kỹ càng việc xây dựng bảng giá đất mới để tránh ảnh hưởng đến người dân, môi trường đầu tư trên địa bàn bởi chi phí đất đai là một trong những chi phí lớn nhất khi triển khai dự án.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề xuất dự thảo bảng giá đất điều chỉnh nên được tính theo công thức: Giá đất của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh bằng giá đất của bảng giá đất hiện hành nhân hệ số K hiện hành. Điều này có nghĩa là trong mọi trường hợp tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của luật Đất đai 2013, Nghị định 44/2014 và Nghị định 45/2014 đều phải áp dụng đồng thời bảng giá đất và hệ số K chứ không chỉ áp dụng có mỗi bảng giá đất như cách hiểu của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đề xuất trên xuất phát từ việc hiện nay tất cả các hồ sơ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM đều bị dừng thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất.

Nguyên nhân là do cơ quan thuế chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc có hay không ban hành bảng giá đất điều chỉnh và thời điểm áp dụng (nếu có). Do đó, việc tạm dừng các hồ sơ khiến nhiều người dân lo ngại, bởi nếu áp dụng dự thảo bảng giá đất mới sẽ khiến số tiền sử dụng đất phải đóng cao gấp nhiều lần, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá đất điều chỉnh sẽ được áp dụng trong 12 trường hợp và tác động đến 12 nhóm đối tượng tương ứng. Trong đó chỉ có 1 nhóm được lợi, 3 nhóm không bị ảnh hưởng và có đến 8 nhóm ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng bảng giá đất mới này so với bảng giá đất tại quyết định 02 ngày 16/1/2020 của UBND Thành phố chỉ tăng khoảng 7 lần (tính trung bình). Hơn nữa, bảng giá đất theo quyết định 02 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất 3,5 lần. Do đó, thực tế bảng giá đất điều chỉnh dự kiến lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và mới chỉ tương ứng 70% mặt bằng giá thị trường.

Theo các chuyên gia, bảng giá đất này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đối với người dân khi mua bán, chuyển nhượng, phải đóng lệ phí trước bạ cao hơn mức cũ. Đồng thời, mức thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, khi bảng giá đất tăng, người dân cũng sẽ nhận được các khoản bồi thường, giải phóng mặt bằng cao hơn.

Bạch Khởi