Quốc tế

Bất chấp cấm vận, Pháp vẫn tăng nhập khí hóa lỏng từ Nga

Nguyên Phước 11/08/2024 10:14

Theo báo cáo do Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) công bố, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Pháp nhập khẩu từ Nga, đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2024. Điều này diễn ra khi EU cam kết ngừng tiêu thụ nhiên liệu từ Nga vào năm 2027.

Theo phân tích của IEEFA, các lô LNG của Nga đến EU nói chung đã tăng 7% trong sáu tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái.

image_587297026.coreimg.82.3840.jpeg-1704630936989-_present-and-future-fuels-in-the-shipping-industry-lng-2880x1920.jpeg
Pháp đang tăng nhập khẩu LNG từ Nga - Ảnh: Accelleron

Trong số này, các công ty Pháp nhập khẩu gần 4,4 tỷ mét khối LNG, so với hơn 2 tỷ mét khối trong cùng kỳ năm ngoái. Tây Ban Nha và Bỉ là những nước mua nhiều tiếp theo, nhưng dữ liệu lần lượt giảm 1% và 16%.

Tháng 6/2024, EU đã cấm một số hoạt động liên quan đến LNG có nguồn gốc từ Nga, như việc nạp lại, chuyển hàng từ tàu sang tàu và chuyển hàng từ tàu vào bờ với mục đích tái xuất sang nước thứ ba.

Nhập khẩu khí đốt bằng đường biển từ Nga vào EU vẫn được thực hiện, tại các điểm tập kết LNG được kết nối với mạng lưới rộng lớn hơn. Pháp và Tây Ban Nha có nhiều điểm tập kết nhất ở châu Âu.

Công ty năng lượng lớn của Pháp là TotalEnergies, chiếm phần lớn nhập khẩu. Đại diện công ty nói rằng, họ bị ràng buộc bởi hợp đồng với Nga ký trước cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát. Họ sẽ tôn trọng thỏa thuận, miễn châu Âu còn coi khí đốt của Nga cần thiết cho an ninh năng lượng.

TotalEnergies sở hữu 20% cổ phần dự án LNG lớn nhất của Nga tại bán đảo Yamal thuộc vòng Bắc Cực. Theo hợp đồng được ký năm 2018, công ty Pháp này cam kết mua 4 triệu tấn khí đốt từ dự án mỗi năm.

Bình luận về sự gia tăng mua khí đốt từ Nga, Bộ Tài chính Pháp đổ lỗi do cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu thuyền ở biển Đỏ. LNG từ Trung Đông không còn có thể dễ dàng vận chuyển đến EU, trong khi LNG từ Nga không bị ảnh hưởng.

Báo cáo cũng cho thấy, trong khi nhu cầu khí đốt ở Pháp giảm 9%, thì xuất khẩu khí đốt của Pháp sang Bỉ tăng gần 10%. Theo 1 số chuyên gia, Pháp kiếm tiền từ hoạt động giao dịch như vậy, do khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga thường được bán với giá chiết khấu.

Nguyên Phước