Chuyện làm ăn

Thực phẩm Việt tạo dựng chỗ đứng trên trường quốc tế

Hồng Nga 08/08/2024 17:27

Dù chịu nhiều biến động do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, ngành thực phẩm liên tục tăng trưởng và đã xây dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới

Thị trường tiềm năng

Báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Inc, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,75% trong giai đoạn 2021-2026. Đây là dự báo khả quan giúp các DN hy vọng vào sự khởi sắc kinh doanh trong thời gian tới.

Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh thu thị trường ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, dự kiến đạt hơn 720 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng 10,92% so với 2023. Ngành thực phẩm đồ uống sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm, giai đoạn 2024 - 2029 đạt 10,26% và dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 1.422 triệu USD vào năm 2029.

thuc-pham-3.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định ngành thực phâm đã có sự phát triển đáng ghi nhận

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong chế biến thực phẩm. Từ một quốc gia nhập khẩu Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới với hàng loạt mặt hàng nông sản dẫn đầu về xuất khẩu, gồm: gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản...

Tạo dựng chỗ đứng

Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm sang 180 thị trường, một số nhóm hàng đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm vượt 2 tỷ USD như thủy sản, rau quả, điều, cà phê, gạo...

Theo bà Lương Thanh Thúy - Tổng giám đốc Lương Gia Food, các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới, kể cả thị trường khó tính như châu Âu. Doanh thu từ thị trường xuất khẩu tăng trưởng 20% mỗi năm.

thuc-pham.jpg
Rất nhiều sản phẩm mới được DN "chào hàng" đối tác ngoại

Vấn đề quan trọng của các DN hiện nay là làm thế nào để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho sản xuất. Bên cạnh việc bao tiêu trái cây cho các hợp tác xã nông sản xung quanh khu vực nhà máy tại Đồng Nai và Nhơn Trạch, khai thác vùng nguyên liệu từ miền Trung cho đến miền Tây, Công ty còn xây dựng kho lạnh công suất hơn 2.000 tấn trái cây, vựa dự trữ cho mùa thấp điểm, bảo quản nguyên liệu tươi ngon đưa vào sản xuất.

Bà Thanh Thúy cho biết thêm, để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, hương vị đặc trưng khác biệt, phải đạt các chứng nhận BRC, FSSC, ISO, HACCP, tùy thị trường và các chứng nhận phù hợp theo tiêu chí bắt buộc của từng khu vực, chẳng hạn như chứng nhận FDA, Halal.
Bà Nguyễn Thị Bích Sơn - Giám đốc nhãn hàng Công ty CP thực phẩm Richy Miền Nam cũng cho biết, theo xu hướng tiêu dùng mới, các sản phẩm thực phẩm đều tập trung vào yếu tố tốt cho sức khỏe người dùng. Với bánh kẹo thì giảm ngọt nhưng chất lượng và giá thành phải phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

thuc-pham-2.jpg
Với các DN có hàng hóa bán tại nước ngoài, bà Sơn cho biết, phải yêu cầu các siêu thị nước ngoài đảm bảo yếu tố xuất xứ hàng hóa và thương hiệu, để làm sao hàng của DN vào các kênh siêu thị nước ngoài đều mang thương hiệu và logo công ty Việt Nam. Làm như vậy mới có thể xây dựng được thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống, thiết bị công nghệ chế biến bao bì đóng gói thực phẩm và đồ uống Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) từ ngày 8-10/8/2024, thu hút 900 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Hồng Nga