Quản trị

Vì sao YouTube thắng thế trong cuộc chiến streaming?

Lê Duy 03/08/2024 - 14:55

Dù không phải dịch vụ phát trực tuyến (streaming), YouTube đang thắng thế trong cuộc chiến này, thậm chí giữ vị thế thống trị.

Cách mạng Netflix và sự trỗi dậy của YouTube

Sau khi chuyển từ mô hình cho thuê DVD sang streaming vào năm 2007, Netflix đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình thị trường giải trí hiện đại và đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới cho hoạt động cung cấp nội dung số. Thành công của Netflix đến từ khả năng cung cấp liên tục nội dung gốc chất lượng cao cũng như giao diện thân thiện với người dùng, và con số hơn 7% tổng thời gian sử dụng ti vi ở Mỹ là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của nó.

picture1.jpg

Dù Netflix từ lâu đã được ca ngợi là nhà cách mạng và dẫn đầu cuộc đua “cắt cáp”, bối cảnh đang nhanh chóng thay đổi với sự trỗi dậy của YouTube.

Hiện, YouTube là website có lượng truy cập hằng tháng nhiều thứ hai toàn cầu, chỉ sau Google. Khả năng thu hút và giữ chân người xem của nó cũng vô cùng đáng kinh ngạc, khi hơn 1 tỷ giờ nội dung YouTube được xem trên ti vi mỗi ngày và hơn 150 triệu người xem ti vi kết nối hằng tháng. Hơn nữa, số người sáng tạo nội dung YouTube nói rằng phần lớn thời gian xem của họ từ ti vi đã tăng hơn 400% chỉ trong 3 năm.

Yếu tố quan trọng sau sự trỗi dậy của YouTube là khả năng thích ứng và cung cấp nội dung đa dạng. Khác các nền tảng truyền thống, vốn thường chia nội dung thành các chuyên mục cụ thể, YouTube tiếp nhận vô số nội dung, từ video được sản xuất chuyên nghiệp cho đến không chuyên do người dùng tạo ra. Cách tiếp cận toàn diện này thu hút khán giả, đặc biệt là người xem trẻ, vốn coi trọng tính chân thật và gần gũi khi tiêu thụ nội dung số.

Sức mạnh của nội dung miễn phí

Một trong những lợi thế lớn nhất của YouTube so với các nền tảng truyền thống và streaming khác là sự miễn phí. Trong khi các dịch vụ như Netflix yêu cầu phí thuê bao hằng tháng, YouTube có thể được truy cập bởi tất cả và tạo doanh thu chủ yếu từ quảng cáo. Mô hình này đặc biệt hấp dẫn với khán giả trẻ - những người thường không sẵn sàng hoặc không thể chi 100 USD/tháng cho truyền hình cáp hay các dịch vụ thuê bao khác.

Lợi thế này còn được tăng cường nhờ đội ngũ sáng tạo nội dung (content creator) đông đảo cho YouTube. Không chỉ tạo video đa dạng, hấp dẫn và phục vụ hầu hết sở thích, lực lượng này hiện đang đều đặn sản xuất với mức độ tương đương thường thấy ở Hollywood, theo bà Levy. Ước tính, khoảng 3,7 triệu video mới được đăng lên YouTube/ngày, tức hơn 271.000 giờ nội dung mới/ngày và trách nhiệm tạo ra chúng hoàn toàn thuộc về người sáng tạo. Việc dựa vào content creator không chỉ giúp YouTube giảm hàng tỷ USD chi phí sản xuất mà còn thúc đẩy cảm giác cộng đồng và sự tương tác - điều thường thiếu ở các nền tảng truyền thống.

Bên cạnh đó, content creator còn được đặt trong một hệ sinh thái vô cùng sôi động. Từ YouTube, một thế hệ mới người có tầm ảnh hưởng và nghệ sĩ giải trí với lượng lớn khán giả trung thành đã xuất hiện. Thông qua mô hình chia sẻ doanh thu, họ có thể kiếm tiền từ nội dung nhờ quảng cáo, tài trợ hay bán hàng. Ba năm qua, Chương trình Đối tác của YouTube đã trả 70 tỷ USD cho content creator (sáng tạo nội dung) của mình, nhấn mạnh cơ hội cho người có thể thu hút và giữ chân khán giả. Động lực tài chính này, kết hợp với phạm vi và khả năng tiếp cận toàn cầu của YouTube, đã biến nó trở thành sự thay thế hấp dẫn cho các nền tảng truyền thống.

Tương lai của streaming

Sự trỗi dậy của YouTube đặt ra thách thức sống còn với các công ty truyền thông truyền thống - những nơi đã gặp khó khăn trong việc kiếm tiền quảng cáo.

Thành công của YouTube thể hiện rõ sự thay đổi trong sở thích của người xem với các nền tảng số cung cấp sự linh hoạt, khả năng tương tác và cá nhân hóa lớn hơn. Và, các công ty truyền thông truyền thống đang phản ứng trước thay đổi này bằng cách tích hợp YouTube vào chiến lược phân phối. Ví dụ, các mạng lớn như NBC và CBS thường xuyên tải video từ chương trình ăn khách lên YouTube và sử dụng nó như công cụ quảng bá để tiếp cận nhiều khán giả hơn. Chiến lược này cho phép họ tận dụng phổ tiếp cận của YouTube và kiếm tiền từ nội dung của mình qua quảng cáo.

Tuy nhiên, sự tích hợp này cũng làm nổi bật sự cạnh tranh giữa YouTube và các phương tiện truyền thống. Đưa nội dung lên YouTube giúp các công ty mở rộng phạm vi tiếp cận khán giả, nhưng đồng thời cũng trao cơ hội cạnh tranh cho chính nền tảng này. Do đó, khi người xem ngày càng chuyển sang YouTube, các công ty truyền thống phải tìm cách phân biệt dịch vụ của mình và giữ chân khán giả. Thách thức nằm ở việc cân bằng nhu cầu thích ứng với xu hướng số trong khi đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của nội dung.

Vậy, tương lai của các dịch vụ streaming khác, gồm cả Netflix, sẽ ra sao? Câu trả lời nằm ở khả năng đổi mới và thích ứng với sở thích của người dùng. Dù Netflix khẳng định là người dẫn đầu trong sản xuất nội dung gốc, họ sẽ cần nhiều chiến lược mới để duy trì lợi thế cạnh tranh. Một con đường tiềm năng là tích hợp nội dung do người dùng tạo ra và các tính năng do cộng đồng điều khiển vào mô hình streaming truyền thống. Bằng cách kết hợp yếu tố của nền kinh tế sáng tạo, các nền tảng streaming có thể cải thiện tương tác và lòng trung thành của người xem. Ngoài ra, việc áp dụng các mô hình hỗ trợ quảng cáo cũng có thể đa dạng hóa dòng doanh thu và hút người xem có ý thức về chi phí.

Một yếu tố quan trọng khác là đầu tư vào công nghệ và cá nhân hóa. Các nền tảng có thể cung cấp trải nghiệm xem cá nhân hóa cao, tận dụng dữ liệu và AI, sẽ có khả năng đạt được lợi thế trong thị trường streaming đông đúc. Cách tiếp cận này không chỉ nâng cao sự hài lòng của người dùng mà còn cung cấp thông tin chi tiết và có giá trị về hành vi cùng sở thích của người xem.

Theo dữ liệu gần đây, Netflix trên thực tế không phải người dẫn đầu cuối cùng của phân khúc streaming, khi liên tục bị YouTube vượt mặt về tổng thời gian xem trong 15 tháng gần nhất. Rộng hơn, nếu so với toàn ngành truyền hình, gồm truyền hình cáp, truyền thống và streaming, YouTube vẫn giành chiến thắng trước mọi đối thủ từ các công ty khác, trừ Disney.

Lê Duy