Quốc tế

Úc sẽ xây nhà máy điện hạt nhân do lạm phát cao?

Văn Phúc 01/08/2024 - 16:50

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đang nổi lên như chủ đề chính trong các cuộc tranh luận trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2025 ở Úc. Cử tri xứ chuột túi từ lâu phản đối năng lượng hạt nhân, nhưng đã thay đổi quan điểm trong bối cảnh lạm phát cao.

Ông Peter Dutton, người đứng đầu đảng Tự Do đối lập trung hữu của Úc, đang muốn thúc đẩy năng lượng hạt nhân.

Ông nói: “Chúng ta có 1 cơ quan quản lý năng lượng độc lập. Cơ quan này nhận định, nếu đi theo chính sách năng lượng tái tạo của thủ tướng Albanese hiện giờ, sẽ chứng kiến nhiều mất điện và cắt điện cục bộ. Doanh nghiệp rất khó hoạt động.”

content.api.news-v3-images-bin-_4d54701a923d1516302732db7873a153.jpg
Lãnh đạo đảng Tự Do đối lập, đang rất muốn Úc xây nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: The Australian

Ông Dutton đề xuất xây dựng 5 nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn và 2 lò phản ứng mô-đun nhỏ thế hệ tiếp theo. Kế hoạch sẽ sử dụng đất đai và lưới điện, của những nhà máy điện than dự tính sẽ đóng cửa.

Sau các vụ thử hạt nhân của vương quốc Anh vào thập niên 50 và 60 ở sa mạc phía Nam nước Úc, người dân địa phương có ác cảm với năng lượng hạt nhân.

Úc là quốc gia sở hữu tài nguyên uranium lớn, nhưng không khai thác nhiều do chưa có nhà máy điện hạt nhân thương mại nào.

Dư luận dường như đang thay đổi. Theo 1 cuộc thăm dò tiến hành vào tháng 3/2024 của viện nghiên cứu Lowy, 61% ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân. Trong cuộc thăm dò năm 2011, chỉ có 38% ủng hộ.

Lạm phát được cho là nguyên nhân dẫn tới thay đổi này. Giá điện tháng 4/2024 đã tăng 4,2%, và tháng 5/2024 tăng 6,5%. Khoảng 1 nửa số người được hỏi trong cuộc thăm dò của viện Lowy nói rằng, giảm giá điện nên là chính sách ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Giá điện tăng, do giá tài nguyên cao, như than và khí đốt.

Chính sách an ninh cũng tác động đến thay đổi. Úc đang đặt mua tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ và vương quốc Anh theo thỏa thuận AUKUS, do đó cần đào tạo kỹ sư hạt nhân cũng như năng lực xử lý chất thải hạt nhân. Các tài nguyên này có thể áp dụng cho nhà máy điện hạt nhân.

Các quốc gia có tàu ngầm hạt nhân, như Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ, đều có nhà máy điện hạt nhân.

Nhà bình luận chính trị Greg Sheridan của Úc nói: “Nếu phát triển năng lượng hạt nhân, Úc sẽ có nhiều nguồn lực bổ sung để vận hành đội tàu ngầm hạt nhân. AUKUS thực sự có ý nghĩa với Úc về quân sự lẫn dân sự.”

Phó giáo sư Edward Obbard từ đại học New South Wales ước tính rằng, hơn 8.000 người cần được đào tạo về kỹ năng hạt nhân, để phục vụ cho đội tàu ngầm hạt nhân từ chương trình hợp tác AUKUS. Nếu các nhà máy điện hạt nhân thương mại trở nên phổ biến, có thể thúc đẩy nguồn lực trong lĩnh vực quân sự lẫn dân sự.

Úc là nước sản xuất than lớn thứ 6, và xuất khẩu than lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Indonesia. Than đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 49% sản lượng điện, tiếp theo là khí đốt tự nhiên, giúp sản xuất 18% tổng lượng điện quốc gia.

Đảng Lao Động cầm quyền hiện nay phản đối năng lượng hạt nhân, muốn phát triển năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Chính phủ có kế hoạch tăng tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo là 30% hiện nay, lên 82% vào 2030.

Thủ tướng Anthony Albanese lập luận rằng, năng lượng tái tạo rẻ hơn. Về năng lượng hạt nhân, không ngân hàng hay tổ chức tài chính nào muốn tài trợ. Ước tính để xây dựng 1 nhà máy điện hạt nhân, cần ít nhất 5,63 tỷ USD.

Ông Dutton phản bác rằng, năng lượng hạt nhân chưa chắc đắt hơn năng lượng tái tạo, mà lại cho ra nguồn điện rẻ hơn, sạch hơn và ổn định hơn. Ví dụ, năng lượng tái tạo cần diện tích đất rộng hơn hàng trăm lần so với nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, cũng cần mạng lưới truyền tải khổng lồ và rộng khắp.

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật năm 2011, một số quốc gia đã dần từ bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên tình hình đang đổi khác.

Tại châu Âu, giá xăng dầu và khí đốt lên cao do cuộc chiến Ukraine, nên Ý đang muốn khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Những nhà máy này dừng hoạt động năm 1990, sau sự cố Chernobyl 1986.

Ông Dutton gợi ý, mặc dù các nhà máy điện hạt nhân do chính phủ sở hữu, nhưng sẽ hợp tác với các công ty giàu kinh nghiệm để xây dựng và vận hành.

Văn Phúc