Quốc tế

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng

Văn Phúc 31/07/2024 - 22:20

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka vừa giảm 0,25% lãi suất. Đây là quyết định bất ngờ, được cho là để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau nhiều năm khủng hoảng tồi tệ.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka giải thích động thái trên, bởi áp lực lạm phát không còn quá nặng nề. Trong ngắn hạn, lạm phát được kỳ vọng ở mức dưới 5%.

upload.wikimedia.org-wikipedia-commons-7-78-_sri_lankan_economic_crisis_2022.jpg
Sri Lanka vẫn đang khó khăn nghiêm trọng về kinh tế - Ảnh: Wikipedia

Như vậy hiện nay, lãi suất tiền gửi thường trực đã giảm xuống 8,25% và lãi suất cho vay thường trực giảm xuống còn 9,25%.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán rằng, Sri Lanka sẽ giữ nguyên lãi suất để phòng ngừa bất ổn chính trị. Chỉ một số ít nhận định sẽ có cắt giảm và không ai dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm.

Ngân hàng Trung ương Sri Lanka giải thích thêm, họ mong muốn tiếp tục nới lỏng điều kiện vay tiền, để phát huy hết tiềm năng của đất nước trong quá trình phục hồi kinh tế. Các doanh nghiệp và sức mạnh nội tại của người dân, vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển và đóng góp cho xã hội.

Tháng 3/2024 vừa qua, Sri Lanka giảm 0,5% lãi suất cơ bản, đảo ngược mức tăng lên tới 10,5% từ tháng 4/2022, trong giai đoạn hòn đảo vật lộn với khủng hoảng kinh tế và lạm phát phi mã.

Một số chuyên gia dự đoán, năm 2024 kinh tế Sri Lanka sẽ tăng khoảng 3%, nhờ chương trình cho vay trị giá 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Năm 2022 kinh tế Sri Lanka giảm 7,3% và giảm tiếp 2,3% vào năm 2023.

Tháng 6/2024 vừa qua, lạm phát của Sri Lanka giảm xuống còn 1,7%, trái ngược với mức 70% vào tháng 9/2022 trong thời kỳ đỉnh cao cuộc khủng hoảng.

Ông Thilina Panduwawala, chuyên gia nghiên cứu tại Frontier Research cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất sẽ củng cố tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nó khó thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 3% GDP trong năm nay. Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, đang tạo ra bầu không khí tiêu cực, do lo ngại bất ổn chính trị.

Văn Phúc