Trạm sạc tăng nhiệt
Cuộc đua phát triển trạm sạc đang tăng nhiệt khi thị trường xe điện đang tăng số lượng xe, cùng đó là quy định từ ngày 5/10/2024 các trạm dừng nghỉ phải có trạm sạc, cũng như điểm đỗ dành riêng cho ô tô điện.
Ngoài V-Green (công ty phát triển trạm sạc của ông Phạm Nhật Vượng), mới đây thị trường xuất hiện thêm một vài tên mới như GG Charging là Charge+ (Singapore), EverCharge và EV One, EV Power, E Boost, Solar EV, Solar Z…
Với lợi thế riêng, mỗi doanh nghiệp (DN) đều chọn cho mình phân khúc ngách và tệp khách hàng khác nhau. Ví dụ, V-Green chỉ phục vụ xe VinFast, đặt kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp hệ thống trạm sạc.
Charge+ khai thác phân khúc xe điện cao cấp vì cho rằng, các chủ sở hữu xe điện cao cấp thường có nhu cầu cao về dịch vụ chất lượng và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sự tiện lợi và an toàn. Phân khúc này ít cạnh tranh hơn và có lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, EV One lại hướng đến các dòng xe phổ thông và hợp tác, liên kết với nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn để xây dựng và vận hành trạm sạc tại các điểm đỗ xe công cộng, trung tâm thương mại và khu dân cư. Với chiến lược này, EV One có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới trạm sạc đến các khu vực khác nhau, từ thành phố lớn đến các tỉnh lẻ. Huy động nguồn vốn để đầu tư công nghệ tiên tiến, tối ưu chi phí vận hành để dịch vụ có giá cả cạnh tranh và chia sẻ rủi ro trong quá trình xây dựng hạ tầng trạm sạc. EV One hiện có 30 điểm sạc công cộng trên toàn quốc.
Doanh nghiệp đầu tư hệ thống trạm sạc xe, cần được:
1. Miễn thuế nhập khẩu;
2. Miễn thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu tiên;
3. Hỗ trợ vay vốn;
4. Lãi suất thấp;
5. Áp dụng mức giá điện ưu đãi.
Cũng như EV One, EverCharge cũng tập trung vào mô hình hợp tác với các nhà đầu tư, cung cấp nhiều loại trạm sạc phù hợp với nhu cầu của các dòng xe phổ thông, từ sạc chậm, sạc nhanh đến sạc siêu nhanh. Sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng và quản lý trạm sạc. EverCharge hiện đang có 60 điểm sạc công cộng.
Với chiến lược không xây dựng hạ tầng trạm sạc nhưng sau khi công bố 3 mẫu xe điện sẽ phân phối tại Việt Nam, Hãng xe điện Trung Quốc BYD đã giải quyết “nỗi lo’ của khách hàng về việc sẽ sạc xe điện của Hãng ở đâu bằng chiến lược hợp tác trạm sạc dùng chung với các đối tác trạm sạc lớn. Cụ thể, BYD đang xây dựng 20 đại lý trên toàn quốc và đàm phán với nhà đầu tư khác để mở rộng mạng lưới gồm Star Charge, Autel, Charge+, EV One, EV Power, E Boost, Solar EV, Solar Z, Ever Charge, GG Charging…
Chiến lược này được giới chuyên môn đánh giá là “khôn ngoan” vì thị trường ban đầu còn mới, nên các trạm sạc chưa có lãi. Vì thế, chiến lược hợp tác với đối tác trạm sạc của BYD sẽ giúp tiết kiệm được rủi ro, chi phí đầu tư vào hạ tầng sạc riêng.
Thông tin đến ngày 18/7, BYD đã trao đổi hợp tác thêm với các đối tác đại lý khác để đưa con số này lên đến 36 đại lý trên toàn quốc (trong tháng 7/2024). Kế hoạch đến tháng 12/2024 sẽ có 50 đại lý, năm 2025 sẽ tăng lên 70 đại lý và năm 2026 sẽ là 100 đại lý đối tác trạm sạc.
Xét về bài toán lợi nhuận trên vốn đầu tư. Một nghiên cứu của International Council on Clean Transportation (ICCT) cho biết, tỷ suất lợi nhuận trung bình của trạm sạc công cộng có thể đạt từ 10-20% nếu được quản lý hiệu quả. Tùy thuộc vào quy mô đầu tư và mức độ sử dụng, thời gian hoàn vốn có thể từ 5-10 năm.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Giá điện có thể biến động cũng ảnh hưởng đến chi phí vận hành và lợi nhuận.
Ngoài các tên kể trên, hiện ba doanh nghiệp lớn với nhiều tiềm năng và lợi thế khác nhau là VNPT, EVN và Viettel cũng đang có chiến lược phát triển các trạm sạc. Điều này dự báo cuộc đua đầu tư trạm sạc tiếp tục còn tăng nhiệt.
Lợi nhuận trạm sạc
Giả sử, với mức mua điện từ lưới điện bình quân 2,629đ/KWh (2,891đ/KWh bao gồm thuế) và giả sử phí sạc điện là 8,000đ/KWh. Trung bình mỗi ngày sạc 100 chiếc xe mỗi chiếc 30 KWh, với mức năng lượng này mỗi chiếc xe điện đi được 200km.
Nếu sạc 100 chiếc thì đồng nghĩa bán được 3000 KWh và số tiền thu được sẽ là 24,000,000 đồng trừ chi phí năng lượng, thu được lợi nhuận phân nửa số đó là 12.000.000 đồng, nhân lên 30 ngày thì một trạm sạc mỗi tháng thu về 360.000.000 đồng, (trừ đi chi phí vận hành rất thấp chỉ từ 5% đến 10%).