Chuyện làm ăn

Tái chế rác thải: Cần lực đẩy

Ý Nhi 29/07/2024 - 16:01

Quy định EPR với hai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Trong đó, trách nhiệm tái chế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Theo đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đầu tư nhà máy và bắt tay làm “tái chế” như một lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn chỉ là con số rất nhỏ.

vong-doi-cua-nhua-1200x476.jpg

Hiện nay, tại một số siêu thị, chung cư cao cấp, ga tàu lửa… đều có các thùng rác phân loại. Thế nhưng, các công ty môi trường đô thị đến thu gom thì đều gom chung chứ không phân loại từng loại rác. Đây cũng là lý do trăn trở của nhiều DN làm tái chế.

Theo bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc vận hành Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam), các cơ sở tái chế thu gom tại Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng tốt, năng suất chưa được khả thi, các mô hình công nghệ chưa đủ tiên tiến để đảm bảo khả năng tái chế được tốt nhất. Bên cạnh đó, công tác thu gom làm sao đảm bảo được tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%... Ví dụ: DN A trong năm 2024 sản xuất, đưa ra thị trường lượng bao bì thương phẩm là 10.000 tấn bao bì thủy tinh. Theo quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc với bao bì thủy tinh là 15% tức là trong năm 2024 DN A có trách nhiệm tái chế tối thiểu là 1.500 tấn bao bì thủy tinh (= 10.000 tấn x 15%).

Ông Lê Anh - Giám đốc phát triển bền vững Duytan Recycling cho biết, theo ước tính, cứ 10 triệu chai nhựa khi tái chế thu được khoảng 70%. Năm rồi công ty đã thu gom và tái chế được 30.800 tấn rác thải nhựa, tương đương 2,4 tỷ chai nhựa và năm nay đặt mục tiêu là 5 tỷ chai.

Cũng theo ông Lê Anh, làm nhựa tái chế chất lượng cao thì chi phí tăng lên khoảng 30-35% so với nhựa chính phẩm. Tức nếu mua nhựa chính phẩm một đồng thì mua nhựa tái chế khoảng 1,3 đồng. Đây là ngành mới nên lợi nhuận phải sau 3-5 năm vì chưa nhiều người ý thức sử dụng nhựa tái chế tốt cho môi trường. Đó là lý do các DN trong nước vẫn còn đang xem xét thôi chứ chưa quyết tâm với sản phẩm tái chế như DN nước ngoài.

Từ năm 2021 đến nay, Duytan Recling đang “gồng lỗ”, thậm chí có một vài thời điểm hàng tồn nhiều, phải tạm ngưng hoạt động. Một phần là do các DN nội địa chưa quan tâm đến việc chuyển đổi từ nhựa nguyên sinh sang nhựa tái sinh. Công ty cũng đã hợp tác với một số thương hiệu quốc tế như Pepsi, Coca-Cola, La Vie, Nestlé, Unilever, Ajinomoto nhưng cũng vô cùng khó khăn, trung bình phải mất 2 năm chờ đợi.

Ngoài chi phí đầu tư cho công nghệ cao là rất lớn, các hoạt động thu gom, tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu làm thủ công ở các làng nghề, chưa tuân thủ công tác môi trường cũng là một khó khăn.

Việt Nam cũng chưa có công nghệ tái chế phù hợp, các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao. Bao bì chưa có tiêu chuẩn hóa và chưa thân thiện với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất.

Bà Chu Thị Kim Thanh kiến nghị: Rất mong có chính sách hỗ trợ DN về tài chính, cơ sở vật chất và kinh tế kỹ thuật. Riêng chính sách EPR, nếu như các DN không thực thi việc thu gom và tái chế bao bì thì đóng góp giải trừ hậu quả cho môi trường theo một định mức tùy vào khối lượng. Tuy nhiên, đến nay là tháng 7 rồi, nhưng định mức này vẫn chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, bà Kim Thanh đế xuất thêm, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ các DN tái chế, nhất là đầu ra cho các sản phẩm tái chế. Bộ Công Thương cần sớm có quy định phải sử dụng một tỷ lệ nhất định sản phẩm tái chế làm nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất.

Ông Trương Anh Hải - Phó tổng giám đốc NS Bluescope Vietnam cũng cho biết, tiến trình tiến đến Net Zero của NS BlueScope được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu từ nay cho đến 2030 DN nỗ lực giảm 30% phát thải carbon. Mục tiêu gần nhất là đến năm 2025 DN sẽ gắn hệ thống solar lớn để giảm 11% phát thải carbon cho dây chuyền sản xuất thép.

Thực tế là rác thải cacbon từ thép còn kinh khủng hơn từ nhựa, mỗi tấn thép là 1,8 tấn cacbon, nếu dùng thép phế liệu sẽ giúp giảm 58% lượng rác thải carbon ra môi trường.

Vấn đề là hiện nay, các DN làm tái chế cần các quy định cụ thể về phát triển kinh tế tuần hoàn như: thiết kế sinh thái; Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các sản phẩm tái chế…; Các quy định triển khai, định hướng, khuôn khổ pháp lý phải rõ ràng, đồng nhất, thủ tục đơn giản để DN sẵn sàng chung tay cho câu chuyện giảm phát thải…

Nếu không, vẫn chỉ một vài công ty nỗ lực tham gia như hiện nay thì chẳng khác gì muối bỏ biển.

Ý Nhi