Doanh nhân Nguyễn Chánh Sắt: Tiên phong chấn hưng kinh tế và thực nghiệp cho người Việt (Kỳ 1)
Trong phong trào Minh Tân diễn ra ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX không thể không kể đến những đóng góp to lớn của doanh nhân Nguyễn Chánh Sắt. Ông không chỉ là chủ bút của Báo Nông cổ mín đàm mà còn tiên phong chấn hưng kinh tế và thực nghiệp cho người Việt. Về sau, ông là một trong những thành viên sáng lập Annam Thương cuộc Công ty kinh doanh cạnh tranh với thương nhân người Hoa và người Pháp.
Kỳ 1: Người vận động phát huy tư tưởng Minh Tân ở Nam kỳ
Nguyễn Chánh Sắt tự là Bá Nghiêm, hiệu là Tân Châu, sinh năm 1871 tại làng Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc Tân Châu, Phú Châu, An Giang) trong một gia đình nghèo. Lúc nhỏ, ông được cha mẹ đưa đến làm con nuôi một gia đình khá giả trong xóm nhưng không có con nối dõi. Cha nuôi của ông tên là Nguyễn Văn Bửu (1822-1892), mẹ nuôi tên là Đặng Thị Nghiêm (1834-1894). Là người có tư chất thông minh nên khi đến tuổi đi học, Nguyễn Chánh Sắt được cha mẹ nuôi cho học chữ Hán tại lớp của tú tài Trần Hữu Thường. Tuy nhiên, do lúc bấy giờ thực dân Pháp đã thôn tính Nam kỳ nên cha mẹ nuôi của ông thấy việc học chữ Hán không hợp thời nên đã gửi Nguyễn Chánh Sắt qua Châu Đốc học trường tiểu học Pháp - Việt.
Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học Pháp - Việt, Nguyễn Chánh Sắt được cha mẹ nuôi xúc tiến việc kết hôn cho ông với bà Văng Thị Yên (1872-1944), người gốc Hoa cùng làng. Hai vợ chồng Nguyễn Chánh Sắt có với nhau 7 con gái, 2 con trai.
Khi cha mẹ nuôi lần lượt qua đời, bà Văng Thị Yên làm nghề buôn bán nhỏ tại chợ Tân Châu, Nguyễn Chánh Sắt lo trông nom gia đình và tự học thêm chữ Nho, chữ Pháp và rèn luyện chữ Quốc ngữ. Trong thời gian này, nhờ biết tiếng Pháp nên Nguyễn Chánh Sắt có cơ hội làm quen với một thiếu tá người Pháp tên là De Colbert và được mời tham gia làm việc tại cơ sở nuôi tằm lấy tơ của De Colbert tại Tân Châu. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh tơ tằm của De Colbert không phát đạt và không lâu đó, viên thiếu tá người Pháp này được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm chức giám đốc nhà lao Côn Đảo nên Nguyễn Chánh Sắt được mời theo làm thông ngôn.
Tại Côn Đảo, Nguyễn Chánh Sắt đã có cơ hội gặp gỡ những nhà Nho yêu nước đang bị lưu đày tại đây. Đồng cảm trước hoàn cảnh của họ, Nguyễn Chánh Sắt đã bảo lãnh cho họ được lao dịch nhẹ nhàng và tự do đi lại trên đảo. Cảm mến với sự giúp đỡ của ông, các nhà Nho yêu nước bị lưu đày đã giúp Nguyễn Chánh Sắt học tiếp chữ Hán, đồng thời lan truyền tinh thần yêu nước cho ông.
Sau gần ba năm làm thông ngôn ở Côn Đảo, De Colbert đột ngột qua đời. Mất chỗ dựa, Nguyễn Chánh Sắt xin nghỉ việc ở Côn Đảo về Sài Gòn. Vì sinh kế của gia đình, ông xin làm việc ở Sở Canh nông, Sở Công chánh và Sở Địa chánh. Công việc không thích hợp, ông lại xin dạy chữ Hán ở Trường Trung học Tabert. Trong thời gian dạy học tại Tabert, Nguyễn Chánh Sắt làm quen với ông Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người Pháp có thế lực, đồng thời là ủy viên Hội đồng Thuộc địa Nam kỳ. Sau đó, ông được Canavaggio cử xuống Bạc Liêu trông coi việc khai thác ruộng muối.
Công việc trông coi ruộng muối không phù hợp với ông nên vào năm 1901, Nguyễn Chánh Sắt từ Bạc Liêu lên Sài Gòn tìm việc. Khi nghe tin ông Canavaggio thành lập tờ báo Nông cổ mín đàm, ông đã đến xin cộng tác từ số đầu tiên và bắt đầu công việc dịch truyện Tàu. Bản dịch đầu tay của ông được biết đến là bộ Tây Hớn. Đây là thời kỳ chữ Quốc ngữ còn rất phôi thai, nhưng nhờ quá trình rèn luyện, học tập tích cực với các nhà Nho yêu nước bị tù đày ở Côn Đảo, cộng với quá trình tự học liên tục, sách lại in vào thời điểm thị trường chưa có truyện Tàu chuyển sang chữ Quốc ngữ nên bán rất chạy, nhuận bút tăng vọt, cuộc sống của ông khá lên.
Đến năm 1907, khi phong trào Minh Tân phát triển mạnh mẽ tại Nam kỳ, Nguyễn Chánh Sắt đã hợp tác với Trần Chánh Chiếu - chủ bút Lục Tỉnh tân văn kêu gọi vận động người Việt kinh doanh để chấn hưng kinh tế cho dân tộc và đồng thời tham gia tích cực vào phong trào Minh Tân. Dưới sự lãnh đạo của Trần Chánh Chiếu, trong hai năm 1907-1908, phong trào Minh Tân đã phát triển mạnh mẽ tại Nam kỳ thông qua việc vận động người Việt hùn vốn, lập cơ sở kinh doanh. Nguyễn Chánh Sắt được Trần Chánh Chiếu phân công xuống Mỹ Tho để quản lý một cơ sở kinh tài của Hội Minh Tân tên là Minh Tân khách sạn do ông Huỳnh Đình Điển làm chủ.
Dưới sự quản lý của Nguyễn Chánh Sắt, Minh Tân khách sạn vừa là cơ sở kinh tài cho phong trào Minh Tân vừa là nơi liên lạc, hội họp, diễn thuyết, tuyên truyền kêu gọi người Việt đoàn kết, hùn vốn lập công ty kinh doanh, cạnh tranh với thương nhân Hoa kiều, thương nhân người Pháp và kêu gọi tinh thần yêu nước. Đầu năm 1908, Nguyễn Chánh Sắt hưởng ứng lời kêu gọi vận động thành lập Nam kỳ Minh Tân công nghệ do Trần Chánh Chiếu phát động thông qua các bài đăng trên Nông cổ mín đàm và Lục Tỉnh tân văn. Đây là công ty cổ phần, có vốn cố định vào khoảng 1.000 đồng Đông Dương, tương đương 25.000 francs, được thành lập tại Sài Gòn ngày 1/6/1908, gồm 17 thành viên góp vốn lập khế ước mở công ty, trụ sở đặt tại Mỹ Tho.
Nam kỳ Minh Tân công nghệ chú trọng vào việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục hướng về thực nghiệp, khẳng định vị trí kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam. Nam kỳ Minh Tân công nghệ bước đầu thành công khi giới thiệu xà phòng Con vịt (Savon Cancan) do người Việt sản xuất với giá thành rẻ nhằm cạnh tranh với sản phẩm của Hoa kiều. Điều này đã góp phần thúc đẩy một làn sóng thành lập công ty cổ phần học theo Nam Kỳ Minh Tân công nghệ diễn ra sôi nổi ở lục tỉnh Nam kỳ.
Tuy nhiên, vào tháng 10/1908, sau sự kiện chống thuế ở Trung kỳ và vụ “Hà Thành đầu độc” ở Hà Nội, thực dân Pháp phát hiện phong trào Minh Tân có liên hệ với phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du nên đã bắt giam Trần Chánh Chiếu và ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh tài của Minh Tân. Trần Chánh Chiếu cùng 90 người khác bị bắt giam nhưng Nguyễn Chánh Sắt thì may mắn thoát được nhờ có quen biết với ông Canavaggio và được vị chủ nhiệm của Nông cổ mín đàm giúp đỡ.
Sau khi phong trào Minh Tân tan rã, Nguyễn Chánh Sắt được ông Canavaggio mời về cộng tác với báo Nông cổ mín đàm, giữ chức phó chủ bút từ năm 1910-1912 bên cạnh chủ bút Lương Khắc Ninh. Trong hai năm giữ chức phó chủ bút Nông cổ mín đàm, Nguyễn Chánh Sắt tập trung vào viết báo và dịch một số tác phẩm văn học của Trung Quốc, như Chung Vô Diệm, Thất kiếm thập tam hiệp, Kim cổ kỳ quan, Long đồ công án.
Đến năm 1912, Nguyễn Chánh Sắt nghe lời bạn bè xuống Bạc Liêu làm ruộng. Nhưng 4 năm làm nông tại Bạc Liêu đều thất bại do mất mùa và nợ nần nên Nguyễn Chánh Sắt phải quay lại Sài Gòn vào cuối năm 1906 và tiếp tục cộng tác với Nông cổ mín đàm. Đến ngày 18/1/1917, Nguyễn Chánh Sắt được Lương Khắc Ninh nhường chức chủ bút Nông cổ mín đàm. Đây là thời điểm bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Chánh Sắt khi ông trở thành người kế nhiệm Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu trong việc vận động người Việt đoàn kết kinh doanh và cạnh tranh với thương nhân ngoại bang để phát triển kinh tế đất nước.