Quốc tế

Singapore – Malaysia tăng cường kết nối kinh tế và đầu tư

Văn Phúc 27/07/2024 22:01

Theo Nikkei Asia, Singapore và tiểu bang Johor ở miền Nam Malaysia đang tăng cường hợp tác kinh tế xuyên biên giới, như mở tuyến đường sắt chở người và hàng hóa, cùng với 1 khu kinh tế đặc biệt chung.

Tuyến đường sắt nhanh (RTS) đã hoàn thành 80%, dự kiến bắt đầu hoạt động cuối năm 2026. Dù chỉ dài 4 km, nhưng có vai trò quan trọng trong kết nối người và hàng hóa 2 bên, giúp giảm ách tắc tại các cửa khẩu. Toàn bộ thủ tục nhập cảnh, hành khách có thể làm tại ga đi, nghĩa là được tự do di chuyển sau khi đặt chân xuống ga đến.

www.taipeitimes.com-images-2023-02-04-_p05-230204-321.jpg
Đường bộ nối Singapore và bang Johor của Malaysia - Ảnh: Taipei Times

Mỗi chuyến tàu có sức chứa 10.000 khách. Hiện nay phương tiện chính qua lại 2 bên là đường bộ. Thời gian qua, ngày càng nhiều người Malaysia sang Singapore làm việc, do có lương bổng cao hơn, dẫn tới tình trạng tắc nghẽn thêm tồi tệ.

Một nhà phân tích bất động sản Malaysia cho biết, giá chung cư gần khu đường sắt đã tăng từ 30% đến 40% từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Giá nhà thuê cũng tăng gần gấp đôi.

Tháng 1/2024, 2 nước nhất trí phát triển một khu kinh tế đặc biệt chung tại bang Johor, với diện tích 3.500 km vuông, nghĩa là rộng gấp 4 lần Singapore. Khu vực này sẽ ưu tiên thu hút đầu tư về hậu cần, chăm sóc y tế và tài chính. Chính phủ Malaysia đang xem xét ưu tiên cho nhà đầu tư, liên quan đến vận chuyển hàng hóa, thủ tục và thuế quan.

Đối với nhiều công ty Singapore, diện tích rộng và nguồn lao động giá rẻ ở Johor là rất hấp dẫn. Ngoài ra, một số công ty nước ngoài khác cũng cùng cảm tưởng.

Không ít tập đoàn lớn muốn rút bớt khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại. Malaysia đang hưởng lợi, chứng kiến nhiều công ty tăng rót vốn đầu tư, ở các lĩnh vực chất bán dẫn, linh kiện điện tử và trung tâm dữ liệu.

Bà Julia Goh, chuyên gia kinh tế tại United Overseas Bank cho biết, 2 chính phủ Singapore và Malaysia đều thấy được lợi ích lớn lao, từ việc hợp tác giống vầy. Singapore giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và Malaysia nhận thêm nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào từng ngành.

Văn Phúc