Thời sự

Đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia

Nguyễn An 25/07/2024 - 16:40

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Theo dự thảo, thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia (gọi tắt là Quỹ) để bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, có sự tham gia góp vốn điều lệ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức, cá nhân khác.

Việc quản lý, sử dụng vốn của Quỹ theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro và đảm bảo công khai, minh bạch.

11-1581081615086309089068-1712218234729512536149-17217898755251542090731.jpg

Quỹ thực hiện đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động như sau:

Thứ nhất, đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và nước ngoài, trong đó bao gồm đầu tư mạo hiểm.

Thứ hai, tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho doanh nghiệp.

Thứ ba, tài trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Thứ tư, tài trợ học bổng cho sinh viên tài năng trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Điều lệ của Quỹ, trong đó bao gồm loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, vốn điều lệ, mức vốn góp của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, cơ chế thu hút, ủy thác nguồn vốn đầu tư, cơ chế tài trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ trong hoạt động đầu tư.

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) mới công bố vào tháng 10/2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57, đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40. Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.

Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái của các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.

Sau thời kỳ COVID-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Những con số trên cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang trên đà phát triển và thể hiện tiềm năng mạnh mẽ.

Nguyễn An