Thời sự

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng-Người học trò xuất sắc của Bác Hồ

Phan Thế Hải 19/07/2024 18:30

Ngày 3/1/2021, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông giữ chức vụ này lần thứ ba khi đã ở độ tuổi 77. Qua hơn 2 nhiệm kỳ, vị Tổng Bí thư đáng kính đã tạo ra nhiều bước chuyển biến quan trọng trong hệ thống chính trị và thật không sai khi nói rằng ông là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giản dị, cần kiệm liêm chính!

Đây là cảm nhận của hàng triệu người dân trực tiếp gặp mặt hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước đã có dịp chứng kiến bộ vest mà Tổng Bí thư mặc để tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước vào năm 2018 cũng chính là bộ vest mà 12 năm trước Tổng Bí thư đã mặc khi còn là người đứng đầu Quốc hội.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tu-tran-2374.jpg

Là người làm báo, không ít lần tham gia những cuộc họp có sự xuất hiện của Tổng Bí thư, có thể thấy, ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc vest, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, do các thương hiệu nội địa sản xuất, có những chiếc áo cũ đến sờn vai.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi đã có dịp đến thăm và phỏng vấn Tổng Bí thư tại nhà riêng đã tiết lộ: Tổng Bí thư và gia đình vẫn đang sinh sống tại một căn nhà công vụ nằm trên phố Thiền Quang thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đồ đạc trong nhà đều cũ kỹ, không có gì đáng giá. Ngôi nhà này ông được cấp từ thời còn làm lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Thậm chí, cách đây hơn chục năm, vợ ông vẫn còn dùng bếp than tổ ong để đun nấu và chiếc xe máy đời 82 cũ kỹ để di chuyển.

Ông Phạm Quang Nghị, người kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng ở Thành ủy Hà Nội tiết lộ: "Khi ông về nhậm chức Bí thư thành ủy, văn phòng làm việc của người tiền nhiệm hết sức cũ kỹ, những đồ đạc đều có từ mấy chục năm trước đó, nội thất, gạch lát nền đều không có gì thay đổi. Sự giản dị của ông Trọng khiến người ta liên tưởng đến đời sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Tôi rất ấn tượng với cuộc gặp mặt thân mật Đoàn Đại biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Trọng nói: “Học và làm theo Bác Hồ là một nhu cầu văn hóa”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta một di sản vô cùng cao quý, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Từ cách sống của ông, sự tận tụy cống hiến của ông trên mọi cương vị công tác và cả những cuộc nói chuyện của ông với các tầng lớp được báo chí đưa tin, truyền hình trực tiếp đã cho thấy ông là người giản dị, gần dân và “cần kiệm, liêm chính” như lời dạy của Bác Hồ.

tbt-1-(1).jpg

Công cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm

Là nhà lãnh đạo giản dị, gần dân và rất nhân văn nhưng Tổng Bí thư vẫn thể hiện được qua những lời nói rất khiêm tốn nhưng cứng rắn, không khoan nhượng, đặc biệt là trước vấn nạn tham nhũng.

Từ tháng 2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban chỉ đạo. Trên cương vị là Trưởng ban, ông Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài phát biểu về công cuộc đầy khó khăn này. Trên cơ sở những bài viết đó, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phát hành cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng; đồng thời, thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đề ra quan điểm chỉ đạo và hệ thống giải pháp đúng đắn, toàn diện nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay.

Nhận diện rõ hơn về tham nhũng, tiêu cực; hậu quả của tham nhũng, tiêu cực; ý nghĩa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhắc lại cách định nghĩa nôm na, dễ nhớ, dễ hiểu và cũng rất nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”; tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm”. Đồng thời, ông nhấn mạnh, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực.

Đặc biệt là từ sau Đại hội XIII, Đảng không chỉ chống tham nhũng mà còn tập trung chống cả tiêu cực. Đảng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tạo sự đồng bộ, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”. Những vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm, dư luận bức xúc đều được xem xét, xử lý quyết liệt, tận gốc rễ. Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cách đây không lâu, Tổng Bí thư đã nói: “Ai không làm, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Điều này thể hiện sự quyết tâm về mặt chính trị của người đứng đầu đối với công tác này.

Trong mấy năm qua, đã có nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm bị kỷ luật, cách chức, bị xử lý do liên quan đến những vụ án, vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Cùng với việc cách chức, Bộ Chính trị đã có văn bản khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định. Quy định này nhằm tạo điều kiện để những cán bộ rút lui trong danh dự và dần dần tạo thành văn hóa từ chức trong hệ thống.

Với sự chỉ đạo sâu sát của ông Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo đã đưa ra xét xử hàng trăm vụ án, có cả nhiều lãnh đjao, quan chức cấp cao cũng phải ra hầu tòa.

Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng

Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ lâu dài, là cách thức duy nhất để xây dựng một nền hành chính lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Hơn chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã kiên quyết và kiên trì với công cuộc “đốt lò” không có vùng cấm.

Cùng với đó đó là việc hoạch định chính sách, ban hành các thể chế kinh tế phù hợp, xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, liêm chính và phá bỏ những rào cản gây trở ngại đến quá trình kinh doanh. Nhờ đó dẫu nền kinh tế thế giới còn có những diễn biến rất phức tạp nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng trên 5%, thuộc loại cao nhất thế giới.

Từ tháng 9/2021, để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đi vào chiều sâu, toàn diện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ.

Theo đó, với những ai lựa chọn con đường công chức phải tự mình tu dưỡng đạo đức cách mạng để xứng đáng là "công bộc" của dân: liêm chính, trong sạch, tận tâm như lời dạy của Bác Hồ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương.

Phan Thế Hải