Chuyện làm ăn

Doanh nghiệp xuất khẩu: Nhiều thách thức nhưng vẫn có cơ hội

Hồng Nga 18/07/2024 17:53

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang phải đối diện với nhiều thách thức nhưng nếu biết tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do và có chiến lược phù hợp, vẫn có cơ hội để phát triển, vượt qua khó khăn.

Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ xuất khẩu và nhập khẩu gỗ tăng lần lượt 24,5% và 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đầy thách thức khi các DN phải đối mặt với nhiều yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu chính như các quy định chống phá rừng của EU, các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ và mục tiêu Net-zero đang đặt ra những thách thức lớn.

may.jpeg

Trong khi đó, nửa đầu năm 2024, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận xuất khẩu giảm 20% do nhu cầu từ Mỹ và EU giảm. Đồng thời, thiếu lao động lành nghề khiến năng suất và chất lượng sản phẩm giảm sút.

Ngành điện tử cũng gặp nhiều khó khăn với đơn hàng xuất khẩu giảm 18% do cạnh tranh gay gắt và nhu cầu giảm. Việc thiếu lao động kỹ thuật cao khiến các DN khó đáp ứng được yêu cầu công nghệ ngày càng cao.

Ngoài những khó khăn trên, bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BlueSaigon cho biết, khó khăn còn đến từ xu hướng tiêu dùng của thị trường, tỷ giá tiền tệ, hạ tầng giao thông và sắp tới là việc siết chặt các quy chuẩn mới liên quan đến chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trong một hội thảo gần đây nhấn mạnh, hiện nay các quốc gia không chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế mà còn chú trọng đến sự phát triển bền vững. Áp lực từ thị trường đòi hỏi DN phải vận động cùng với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam có thể mở rộng thị trường mới và giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, tăng khả năng thích ứng và giảm rủi ro. Nhiều DN lớn đã khai thác rất tốt cơ hội này như Vinatex, Vinamilk, Gỗ Trường Thành, Công ty Dệt may Thành Công...

Để tận dụng cơ hội, các chuyên gia cũng tư vấn: "DN nên linh động trong việc lựa chọn và tiếp cận đối tác và thị trường mục tiêu, tích cực điều chỉnh phù hợp đối với các mặt hàng chủ lực. Ngoài ra, việc “xanh hóa” trong DN cũng nên được quan tâm đúng mức, trong đó, việc thực hiện ESG là nhân tố mang tính “sống còn” trong xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của DN.

Hồng Nga