Quốc tế

Hàn Quốc có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sang châu Âu

Văn Phúc 17/07/2024 - 22:08

Theo Nikkei Asia, Hàn Quốc đang nỗ lực xuất khẩu vũ khí sang châu Âu, do nhu cầu ngày càng tăng liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều nước cần viện trợ cho đồng minh ở Đông Âu, cũng như củng cố sức mạnh quốc phòng.

Hanwha Aerospace – tập đoàn vũ khí hùng mạnh của Hàn Quốc vừa ký hợp đồng trị giá 947 triệu USD với bộ quốc phòng Rumani, để cung cấp 54 pháo tự hành K9 và 36 xe tiếp tế đạn dược K10.

upload.wikimedia.org-wikipedia-commons-f-f0-_k-9_-_-7445556056-_-2-.jpg
Pháo tự hành K9 của Hàn Quốc được nhiều nước quan tâm - Ảnh: Korea MND

Hợp đồng trên khiến Rumani trở thành quốc gia thứ 9 mua K9. Đây là pháo tự hành được đánh giá cao, do chịu được thời tiết lạnh giá và tùy chỉnh trong từng địa hình cụ thể.

Rumani là thành viên NATO. Các nước NATO khác cũng mua K9 gồm Ba Lan, Na Uy, Phần Lan và Estonia.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang xem xét những cách thức để 2 bên hợp tác chặt chẽ hơn. Hàn Quốc có ngành công nghiệp quốc phòng rất mạnh. Hai bên cũng có tiềm năng lớn để hợp tác về công nghệ và an ninh mạng.”

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, tổng thống Yoon Suk Yeol đã giới thiệu sản phẩm quốc phòng tiên tiến của Hàn Quốc, tới những bạn hàng tiềm năng như cộng hòa Séc, Phần Lan, Thụy Điển, Canada và một số nước khác.

Ông Yoon và tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nhất trí tăng cường hỗ trợ, tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra 2 bên cũng hướng tới hợp tác về công nghiệp quốc phòng và điện hạt nhân.

Trong cuộc gặp giữa ông Yoon với thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, 2 bên mong muốn tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng.

Trong cuộc gặp giữa ông Yoon với thủ tướng Canada Justin Trudeau, 2 bên mong muốn hợp tác về công nghiệp quốc phòng vì lợi ích chung. Hai lãnh đạo cũng chia sẻ mối quan ngại về hợp tác giữa Nga và Triều Tiên, phản đối những động thái vi phạm nghị quyết của hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Năm 2025, Canada là chủ tịch thường niên của G7, trong khi Hàn Quốc là chủ tịch diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Hai lãnh đạo nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các sự kiện.

Bên lề hội nghị NATO, ông Yoon cũng gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong bữa tối. Lãnh đạo Ukraine muốn Hàn Quốc hỗ trợ vũ khí.

Năm 2021, Hàn Quốc xuất khẩu 7,25 tỷ USD thiết bị vũ khí. Con số tăng lên thành 17,3 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến lên 20 tỷ USD vào năm 2024.

Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027, để hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm thâm hụt thương mại. Năm 2023, Hàn Quốc xếp thứ 10, với bạn hàng chính là Ba Lan, Philippines và Ấn Độ.

Văn Phúc