Thời sự

Đến năm 2025, toàn bộ hoạt động điều hành của TP.HCM sẽ thực hiện trên nền tảng số

Nhật Hưng 17/07/2024 11:00

Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố khóa 10 vào chiều 16/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định Thành phố sẽ phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ hoạt động điều hành được thực hiện trên nền tảng số.

Báo cáo trước HĐND và cử tri TP.HCM về kết quả một năm thực hiện Nghị quyết 98, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 98 được ban hành, chính sách đầu tiên mà UBND TP.HCM trình HĐND thông qua là việc bố trí vốn đầu tư công nhằm giảm nghèo. Chính sách này không chỉ mang lại tác động tích cực về kinh tế - xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn cao.

dfda5e615c2eb570ec3f.jpg.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp

TP.HCM cũng bố trí ngân sách Thành phố cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; bố trí vốn cho chương trình kích cầu và trong tuần này sẽ ban hành kế hoạch thực hiện trên thực tế, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư xã hội.

Đồng thời, Thành phố cũng công bố danh mục các dự án BOT và PPP trong lĩnh vực giao thông, quy định mức vốn tối thiểu cho các dự án PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, và hoàn thiện đề án điện áp mái tại một số công sở, với kế hoạch đầu tư thực hiện sắp tới.

Cùng với đó, TP.HCM thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, mở rộng diện áp dụng cho cơ quan trung ương cộng với tiền lương mới từ ngày 1/7 sẽ có tác động đến hiệu quả, năng suất làm việc của đội ngũ cán bộ. TP.HCM cũng triển khai cơ chế đầu tư, tài chính cho các quận khi không có HĐND cùng cấp.

Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Thành phố đã nhận 48 hồ sơ, trong đó chọn được 21 hồ sơ và cấp kinh phí thực hiện cho 15 hồ sơ này. TP.HCM cũng xây dựng đề án nhằm thúc đẩy việc hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế và đang triển khai cơ chế sandbox trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Về chuyển đổi số, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết áp dụng mức phí 0 đồng cho 98 thủ tục hành chính trực tuyến. Thành phố đã hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo 100% thủ tục hành chính trực tuyến được giải quyết trên hệ thống này.

Thành phố cũng đưa vào hoạt động nhiều nền tảng mới như hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo, bản đồ thực thi thể chế, và thư ký ảo áp dụng tại HĐND Thành phố. TP.HCM đã ban hành 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 91 cơ sở dữ liệu mở, cùng việc cấp tài khoản định danh điện tử cho hơn 9 triệu người dân.

Ông Mãi thông tin, vừa qua, Ban cán sự Đảng đã thông qua sandbox cho ô tô không người lái. Sắp tới sẽ hình thành thêm nhiều cơ chế tương tự trong một số lĩnh vực.

Về tổ chức bộ máy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Thành phố đã thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, bố trí các chức danh Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, UBND TP. Thủ Đức; bố trí Phó chủ tịch cho huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn; bố trí 51/52 phó chủ tịch xã, phường, thị trấn có trên 50.000 dân trở lên…

Trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai các dự án như tín chỉ carbon, phát triển giao thông định hướng (TOD), cảng Cần Giờ và áp dụng cơ chế đặc biệt cho dự án đường sắt đô thị.

Về đầu tư công, ông Mãi thừa nhận việc giải ngân chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, TP.HCM được giao hơn 79.000 tỷ đồng cho năm 2024 nhưng mới giải ngân được hơn 11.000 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với mục tiêu. Ông Mãi cam kết Thành phố sẽ nỗ lực giải ngân ít nhất 95% số vốn đầu tư công được giao trong 6 tháng còn lại của năm.

Chuyển đổi số cũng là một trong hai chủ đề trọng điểm của năm 2024. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ hoạt động điều hành sẽ được thực hiện trên nền tảng số và kinh tế số sẽ đóng góp 25% vào tăng trưởng kinh tế cuối năm 2025.

Trong nửa đầu năm 2024, TP.HCM đã đạt nhiều kết quả đáng chú ý trong các hoạt động chuyển đổi số, tập trung vào hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Một trong những bước đột phá là ra mắt ứng dụng “Công dân thành phố”, giúp người dân giao dịch với chính quyền một cách hiệu quả và thuận tiện hơn.

Thành phố cũng đã triển khai sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất để thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công từ ngày 1/7/2024, tăng cường an toàn và tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ số. Hạ tầng kỹ thuật số cũng được nâng cấp mạnh mẽ với việc kết nối mạng số liệu chuyên dùng đến 100% xã, phường, thị trấn và xóa bỏ 256 điểm lõm sóng, lõm điện, đảm bảo mọi khu vực đều có kết nối internet băng thông rộng.

Ngành y tế TP.HCM đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về y tế và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu khác. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã tổ chức các khóa tập huấn về ứng dụng AI, học hỏi từ các thành phố như Singapore và Busan để xây dựng thành phố thông minh và bền vững.

Ngoài ra, Sở Du lịch TP.HCM đã nâng cấp Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 và quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố trên nhiều kênh truyền thông và mạng xã hội, giúp tăng cường thu hút khách du lịch. Những hoạt động này đã giúp TP.HCM tiếp tục đứng thứ hai cả nước về chỉ số chuyển đổi số và tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới​.

Nhật Hưng