Đề xuất phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dự thảo Thông tư nêu rõ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng cam kết tại Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Chủng loại, mã số HS và số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng từng năm được quy định tại Phụ lục I như: Xe có động cơ chở 10 người trở lên (Mã số 87.02); ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung và ô tô đua (Mã số 87.03); xe có động cơ dùng để chở hàng (87.04).
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng được thực hiện thông qua phương thức đấu giá phải bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các thương nhân đăng ký tham gia.
Ô tô đã qua sử dụng phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa
Dự thảo Thông tư quy định đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cam kết tại Hiệp định CPTPP:
Ô tô đã qua sử dụng là ô tô đã được đăng ký lưu hành tại nước xuất khẩu trước khi về đến cửa khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phải đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục nhập khẩu.
Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phải đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, các quy định về cửa khẩu nhập khẩu ô tô. Chủng loại ô tô nhập khẩu phải phù hợp với nội dung của Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định của pháp luật.
Về thủ tục tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, dự thảo quy định Hội đồng đấu giá ban hành quy chế đấu giá và thực hiện các quy trình, thủ tục tiến hành phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng thông qua phương thức đấu giá căn cứ quy định tại Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Việc tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được định kỳ thực hiện vào Quý I hàng năm và có thể kéo dài thời gian tổ chức phân giao tùy trường hợp cụ thể và phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thông tin về thời điểm tổ chức phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu và tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia phiên phân giao được công bố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 14 ngày trước khi phân giao.
Tên các thương nhân được phân giao hạn ngạch và lượng hạn ngạch thuế quan được thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 14 ngày sau thời điểm phân giao.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, còn được gọi là CP TPP11, là một thỏa thuận thương mại đã ký kết nhưng chưa được phê chuẩn giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Mười một quốc gia chiếm 13,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu trị giá 13,5 nghìn tỷ USD khiến CPTPP trở thành một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất sau Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
Thông qua Hiệp định CPTPP, các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada đã giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.
Đồng thời, việc có quan hệ FTA (Hiệp định Thương mại tự do) với các nước CPTPP đã giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.