EU chuẩn bị gì nếu có thương chiến với Trung Quốc?
Nguy cơ thương chiến châu Âu và Trung Quốc đang dâng cao và nguồn cơn căng thẳng là ô tô điện. Trong tình huống này, Liên minh châu Âu có thể chuẩn bị gì?
Bắc Kinh cách đây 2 ngày tuyên bố sẽ tiến hành điều tra để xác định liệu các cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) với công ty Trung Quốc có tạo nên "rào cản thương mại" hay không. Theo tuyên bố trên website của Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc điều tra sẽ nhắm vào lĩnh vực đường sắt, điện mặt trời, năng lượng gió và thiết bị kiểm tra an ninh. Thời gian kết thúc điều tra dự kiến trước ngày 10/1/2025 và có thể gia hạn 3 tháng nếu cần, tức đến tháng 4/2025.
Nếu kết luận cho thấy có "hàng rào thương mại", Trung Quốc có thể khởi động đàm phán với EU, hoặc một quy trình giải quyết tranh chấp đa phương, hay tiến hành "các biện pháp phù hợp khác" để giải quyết vấn đề, theo quy định do Bộ Thương mại Trung Quốc lập ra năm 2005. Không chỉ mang tính trả đũa, hành động của Trung Quốc còn là bước leo thang mới trong căng thẳng quan hệ với EU, đẩy hai bên tiến gần hơn tới bờ vực của một cuộc thương chiến.
Xa hơn, mục đích của Trung Quốc là kiện EU tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thực tế, Bắc Kinh tháng trước khẳng định "có quyền" đệ đơn lên WTO về kế hoạch áp thuế của EU với EV nhập khẩu của mình. Theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong, "các hành động của châu Âu bị nghi ngờ vi phạm quy định của WTO và là hành vi bảo hộ trắng trợn". Đây là lý do Bắc Kinh hoàn toàn "có quyền kiện lên WTO và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của công ty Trung Quốc".
Thuế chồng thuế với ô tô điện
Nguồn cơn sau hành động của Trung Quốc đến từ ô tô điện (EV). Từ ngày 5/7/2024, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu áp thuế tạm thời với EV Trung Quốc trong khi chờ mức thuế chính thức được đưa ra vào tháng 11 tới, thường có hiệu lực trong 5 năm. Đây là một phần trong chính sách thương mại mới của EU để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ. Cần biết rằng, EV nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU hiện đã phải chịu thuế 10%.
Mức thuế tạm thời khác nhau tùy công ty: 17,4% cho BYD, 19,9% cho Geely và 37,6% cho SAIC. Theo EC, thuế với Geely và SAIC đã được giảm, từ 20% và 38,1% trong thông báo ban đầu, sau thông tin bổ sung cung cấp bởi các bên liên quan. Các nhà sản xuất khác ở Trung Quốc hợp tác với EU sẽ chịu thuế 20,8%, trong khi nơi không hợp tác sẽ phải chịu thuế tối đa 37,6%. Sự khác biệt về thuế dựa trên mức trợ cấp họ nhận từ Trung Quốc và sự hợp tác của họ trong cuộc điều tra của EU.
Giới chuyên gia dự báo thuế tạm thời sẽ làm giảm 42% nhập khẩu EV Trung Quốc và giá EV có thể tăng trung bình 0,3-0,9% tại EU. Lý lẽ được EC đưa ra khi áp thêm thuế tạm thời là các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi thế bất công do được ưu đãi trong nước. "Cuộc điều tra của chúng tôi kết luận rằng EV sản xuất ở Trung Quốc hưởng lợi từ hoạt động trợ cấp bất công. Điều này đe dọa gây ra sự tổn hại về kinh tế cho các nhà sản xuất EV ở EU", lãnh đạo thương mại EU Valdis Dombrovskis nói.
Thế khó của EU
Một mặt, lý lẽ của EC là lời giải thích nhằm hợp lý hóa, để thuế áp trên EV Trung Quốc vẫn thuộc phạm vi quy tắc của WTO. Nhưng mặt khác, nó phần nào cho thấy tình huống mà giới chức châu Âu buộc phải cân bằng: vừa duy trì trật tự dựa trên luật lệ (vốn mang đến lợi ích khổng lồ cho lục địa già), vừa đảm bảo họ không bị các đối thủ có chủ nghĩa bảo hộ hơn mình bắt nạt. Có thể thấy, sau nhiều thập niên trật tự thương mại dựa trên luật lệ toàn cầu được Mỹ ủng hộ và thương mại châu Âu phát triển mạnh mẽ, khối này giờ sẽ phải học cách kinh doanh trong một thế giới chia rẽ.
Tuy nhiên, cả trong EU, quyết định thuế cũng gây chia rẽ. Lo sợ phản ứng của Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô Đức, vốn tiếp xúc nhiều nhất với thị trường này, phản đối việc áp thuế mới. Thủ tướng Đức Olaf Scholz được cho là muốn áp thuế ô tô chung ở mức 15% của Trung Quốc. Cho đến gần đây, Volkswagen vẫn là hãng xe bán chạy nhất ở thị trường tỷ dân, còn BMW và Mercedes thống trị phân khúc thị trường xe cao cấp. Khi cuộc điều tra EV mở ra vào năm ngoái, chính Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức là nơi đã kêu gọi EU cần xem xét "các phản ứng có thể xảy ra từ Trung Quốc".
Đáng chú ý, cuộc điều tra vào năm ngoái được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công ty Pháp, vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ thị phần ô tô ở Trung Quốc, trong khi các đối thủ Đức chiếm tới 17%. Một nhà vận động hành lang cấp cao từ một thương hiệu lớn ở Đức nói: "Rõ ràng là các nhà sản xuất Pháp - những người thúc đẩy cuộc điều tra, không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn cả đối thủ cạnh tranh ở Đức của họ. Các hãng xe Đức sẽ phải chịu các biện pháp đối phó. Tôi lo rằng EC đang bị cuốn vào một cuộc thương chiến với Trung Quốc ở một lĩnh vực rất nguy hiểm".
Theo cựu Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström, trong thời gian tới, các cuộc đàm phán giữa EU và Trung Quốc có thể sẽ cho ra mức thuế thấp hơn vào mùa thu. Dù vậy, các khoản thuế sẽ không được áp dụng hoàn toàn vì Trung Quốc sẽ không đáp ứng các yêu cầu của EC và giới chức châu Âu muốn tỏ ra cứng rắn.
Tương lai của EU
Trước nguy cơ thương chiến, câu hỏi được đặt ra là liệu EU có thể tuân thủ nguyên tắc tuân thủ quy định của mình không? Trong tương lai, một vũ khí mà EU có thể sẽ tận dụng là "Công cụ Mua sắm Quốc tế" vốn đang được triển khai trong cuộc điều tra của khối về thị trường thiết bị y tế Trung Quốc. Nếu đàm phán về quyền tiếp cận cho các công ty châu Âu thất bại, EU có thể phản ứng bằng cách hạ cấp các nhà thầu Trung Quốc trong những cuộc đấu thầu mua sắm.
Nhưng nhìn chung, trong tất cả chính sách hiện tại của mình, EU vẫn đang nỗ lực cho thấy khối này đang và sẽ tuân thủ quy tắc của WTO. Lý do vì tổ chức thương mại này quan trọng nhiều hơn với EU so với Mỹ hoặc Trung Quốc - hai nước đều không thoải mái khi bị kìm hãm bởi các quy tắc đa phương. Không chỉ vậy, một số nước khác cũng cho thấy bản thân không "mặn mà" với WTO nữa.
Trung Quốc, Ấn Độ và Nga thích "một hệ thống thay thế dựa trên các hợp đồng thương mại hơn một thể chế dựa trên quy tắc, mà theo quan điểm của họ là đã bị các luật sư châu Âu và quyền phủ quyết của Mỹ tha hóa", theo Hosuk Lee-Makiyama thuộc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu. Do đó, EU nhận thức được rằng họ đang bảo vệ một thể chế dễ bị tổn thương. Nếu mọi thứ nóng lên, việc làm như vậy sẽ rất khó khăn.
Trái với Mỹ, cách tiếp cận của EU quá cầu kỳ đến mức thậm chí cho phép công ty Trung Quốc kiện khối này tại các tòa án châu Âu. Việc tuân thủ nguyên tắc của trật tự cũ đang trở nên khó khăn hơn vì chúng không được tạo ra để đối phó với các nền kinh tế khổng lồ vận hành theo nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản nhà nước. Các vũ khí thương mại mới nhất cũng cố gắng tuân thủ hệ thống cũ, dù các luật sư lo ngại rằng Công cụ Mua sắm Quốc tế có thể trở thành điều khoản "mua hàng châu Âu" nếu áp dụng quá mạnh mẽ.
Theo ông Lee-Makiyama, ý định của châu Âu là sử dụng thuế như một phương tiện đàm phán để được đối xử tốt hơn, giống như đã làm với nhôm và thép Mỹ vào năm 2018. Điều này vẫn có thể xảy ra trong trường hợp với EV Trung Quốc. Nhưng, đàm phán sau các cuộc thương chiến là một chiến lược thô thiển và có thể không đủ nếu ông Trump tái cử. Nếu điều đó xảy ra, EU sẽ phải tìm cách thu hút các quốc gia bên ngoài vào mục tiêu của mình. Một số ý kiến đã đề xuất điều chỉnh chính sách viện trợ, đầu tư, tài chính và thương mại. Đây sẽ là phương pháp hòa bình hơn so với một cuộc thương chiến, nhưng đồng thời là một phương pháp chính trị không thoải mái với một cơ quan tận tụy với trật tự dựa trên luật lệ như EC.