Thời sự

Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Nguyễn An 13/07/2024 15:24

Chuyến thăm Lào từ ngày 11-12/7 của Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều lĩnh vực giữa hai nước đạt được bước tiến mới.

Theo lời mời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 11-12/7. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới. Chuyến thăm được đánh giá sẽ củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Ngay sau lễ đón chính thức sáng 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao hai nước.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố, vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Đồng thời, khẳng định tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Lào vào giai đoạn phát triển mới, đề ra phương hướng và biện pháp lớn nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị.

hoi-kien-ct-lao.png
Chủ tịch nước Tô Lâm (bên trái) và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có các cuộc hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone; Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm đến Lào diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp; quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy tiếp tục được củng cố, hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Tạo điều kiện cho hai nước thúc đẩy các dự án trọng điểm

Hai bên đã nhất trí tập trung triển khai các thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa hai nước, tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.

Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị định thư, kế hoạch hợp tác quốc phòng, an ninh đã ký kết và phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10 - 15% trong năm 2024.

chu-tich-nuoc-thu-tuong-lao-1720708344305933194291.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm (bên trái) hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

Cùng với đó, Việt Nam và Lào nhất trí cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy một số dự án trọng điểm khác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, kết nối cơ sở hạ tầng. Đồng thời, phấn đấu tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hợp tác đầu tư cũng như đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học, chuyển đổi số và hợp tác giữa các địa phương.

Chính phủ Lào cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dân hai nước.

Đẩy mạnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước

Trong khuôn khổ chuyến thăm tại Lào, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane về việc hai nước cần thường xuyên đẩy mạnh trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.

Theo đó, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá, yếu tố sống còn với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

chu-tich-nuoc-chu-tich-quoc-hoi-lao-1720708251668855879728.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm (bên trái) và Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane trong cuộc hội kiến ngày 11/7

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào đảm nhận thành công các hoạt động đối ngoại quan trọng trong thời gian tới, trong đó có Hội nghị Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) 2024 và đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA năm 2024.

Chủ tịch nước Tô Lâm cũng bày tỏ sự trân trọng những hỗ trợ cùng tình cảm quý báu các nguyên lãnh đạo cấp cao Lào dành cho Việt Nam, cũng như những cống hiến và đóng góp to lớn của họ trong việc gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào.

Phía Chính phủ Lào cho biết vẫn luôn lưu giữ những kỷ niệm, tình cảm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, các nguyên lãnh đạo cấp cao Lào đề nghị hai bên cần tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Đồng thời, không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác và triển khai các hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống tại Lào

Nhân dịp chuyến thăm Lào, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có buổi gặp Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune. Theo đó, hai bên đã nhất trí nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Lào.

chu-tich-nuoc-mat-tran-lao-17207085620891285288934.jpg
Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune (bên trái) và Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Chủ tịch nước Tô Lam cũng đề nghị Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực mặt trận, dân vận, tôn giáo, dân tộc và đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Cũng trong ngày 11/7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam Boviengkham Vongdala và ban lãnh đạo hội. Ông cũng thăm và làm việc với Công ty Star Telecom (Unitel) - một liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tại Lào.

Sáng 12/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Lào.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm kiều bào, một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt ở Lào. Đồng thời, mong muốn bà con luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau làm ăn, sinh sống, tuân thủ pháp luật sở tại và là cầu nối vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

gap-ng-viet-o-lao.png
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào. Ảnh: TTXVN

Thay mặt cộng đồng, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành tình cảm đặc biệt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Lào nói riêng. Nhiều chính sách pháp luật liên quan đầu tư, kinh doanh… ở trong nước đã được điều chỉnh theo hướng ngày càng thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều hoạt động hỗ trợ bà con hội nhập xã hội sở tại, cũng như giữ gìn truyền thống văn hóa, tiếng Việt và hướng về quê hương cũng được triển khai mạnh mẽ.

Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao tấm lòng yêu nước và những đóng góp quan trọng của kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như đối với quan hệ hai nước. Nhân dịp này, Chủ tịch nước trao tặng Tổng hội người Việt Nam tại Lào 10.000 USD để góp phần cải thiện cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động dành cho cộng đồng.

Việt Nam - Lào thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962. Hai nước nâng quan hệ từ “truyền thống” lên thành “truyền thống vĩ đại” vào tháng 2/2019 nhân chuyến thăm Lào của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Từ đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn, đổi mới và phát triển.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Lào tiếp tục có chuyển biến tích cực; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 1,64 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2024 đạt 779,6 triệu USD (tăng 11% so mức cùng kỳ năm 2023).

Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào, khi có 255 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 5,5 tỷ USD. Cùng với đó, Lào có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD.

Nguyễn An