Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng khó làm ăn ở Trung Quốc?
Nhiều năm trước, 1 lý do thị trường Trung Quốc thu hút doanh nghiệp nước ngoài là lao động giá rẻ và sức tiêu thụ lớn. Điều này giúp sản phẩm mang tính cạnh tranh và dễ bán. Ngày nay, lợi thế này đang suy giảm.
Vài năm gần đây, khi mua hàng được sản xuất ở Trung Quốc, đối tác nước ngoài nhận thấy giá cả đã trở nên đắt hơn. Lý do là giá lao động đã cao hơn. Vì vậy, không ít tập đoàn áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”, nghĩa là cùng loại hàng hóa, họ vẫn mua từ Trung Quốc nhưng tìm cách mua cả từ nơi khác. Điều này được rút kinh nghiệm, khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đóng cửa, khách hàng trên thế giới chỉ nhập khẩu từ Trung Quốc gặp vô số khó khăn.
Chiến lược “Trung Quốc + 1” cũng thúc đẩy nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc, muốn mở rộng hoặc chuyển bớt hoạt động sản xuất ra bên ngoài. Nhà máy tại Trung Quốc vẫn phục vụ thị trường Trung Quốc. Nhà máy ở bên ngoài phục vụ các khách hàng quốc tế.
Cuối năm 2023, theo 1 cuộc khảo sát, doanh nghiệp Mỹ và châu Âu đang làm ăn tại Trung Quốc nói rằng, môi trường kinh doanh ở đây ngày càng khắc nghiệt. Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc đã liệt kê hàng ngàn rào cản thị trường, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ví dụ khó nhập khẩu các mặt hàng cần thiết, hoặc quy định liên quan tới an ninh quốc gia quá khắc nghiệt. Bất kỳ doanh nhân nào cũng có thể bị bắt với tội danh hoạt động gián điệp. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có nguy cơ bị tẩy chay vì chiến tranh thương mại, hoặc cạnh tranh địa chính trị. Hai tập đoàn APPLE và MICRON gần đây là ví dụ.
Không chỉ Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng cảm thấy thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn và thách thức. Thời gian qua, nhiều hãng xe hơi Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng bước rút khỏi thị trường khổng lồ này, do không thể cạnh tranh được với các hãng nội địa được chính phủ trợ cấp. Họ chuyển đầu tư sang Đông Nam Á.
Giới chức Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình có niềm tin rằng, họ đang bị Hoa Kỳ và phương Tây cô lập, dựng lên các hàng rào thương mại phi lý. Do đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa, là 1 trong những cách đối phó lại. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc càng cảm thấy áp lực. Giới chức Trung Quốc cũng muốn ít phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài nhất có thể.
Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất chip, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài, thì những năm gần đây chính phủ cũng tăng cường đầu tư. Các khoản trợ cấp khổng lồ lên tới hàng trăm tỷ USD, giúp doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần. Điều này 1 lần nữa chứng minh, Trung Quốc là nơi tiếp thu và học hỏi công nghệ mới rất nhanh.
Tóm lại, những lĩnh vực mà Trung Quốc thua kém phương Tây, thì họ chào đón nhà đầu tư nước ngoài. Đến khi họ học được công nghệ mới, thì nhà đầu tư phải rời đi là điều không tránh khỏi. Do đó, viễn cảnh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động lâu dài tại Trung Quốc, là điều rất khó.
APPLE và Volkswagen, 2 công ty đạt được thành công đáng kể tại Trung Quốc khi mới tới đầu tư, giờ cũng ngày càng cảm thấy bất an. Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David Solomon mới đây nói rằng, chiến lược tăng trưởng dựa vào thị trường Trung Quốc đã không còn hợp lý. Công ty đang chuyển dần hoạt động sản xuất sang nước thứ 3.