TP.HCM sẽ đóng vai trò quan trọng tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn
Từ năm 2030 đến năm 2050, TP.HCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu, mang lại những công nghệ bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Tại buổi khai mạc Triển lãm Công nghệ quốc tế ITECH EXPO 2024 vào sáng 10/7, với chủ đề “Công nghệ mới cho kỉ nguyên mới” được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Hội nghị Quốc tế SKY EXPO Việt Nam, bà Trần Thị Diệu Thúy-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, phát biểu: "TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì và phát triển sự kiện này để trở thành sự kiện thường niên mang thương hiệu của TP.HCM. Chúng tôi mong muốn TP.HCM sẽ trở thành điểm đến uy tín, sân chơi hấp dẫn nơi trình diễn và chia sẻ những công nghệ tiên tiến của thế giới và Việt Nam."
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoài Thương cũng nhấn mạnh vai trò của TP.HCM là đầu tàu công nghiệp của cả nước. Với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ năm 2030 đến năm 2050, TP.HCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn toàn cầu, mang lại những công nghệ bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại thành phố Đông Quảng, Trung Quốc, cho biết: "Triển lãm này không chỉ là một sân chơi bổ ích, trưng bày nhiều sản phẩm thông tin điện tử mới nhất, mà còn là sự kiện lớn nhằm thúc đẩy trao đổi công nghệ trong ngành. Chúng tôi hy vọng thông qua triển lãm này, các công ty Trung Quốc sẽ có cơ hội hợp tác lâu dài với các công ty Việt Nam và Đông Nam Á, cùng nhau khám phá thị trường toàn cầu."
Phát biểu tại tọa đàm về chủ đề “Xu hướng công nghệ toàn cầu: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”, TS. Nguyễn Công Ái - Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, nhận định: "Thế giới hiện đang trải qua cuộc cách mạng công nghệ với AI, điện toán đám mây và điện toán lượng tử. Những tiến bộ này đã tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các lĩnh vực chuyển đổi số và sản xuất xanh”.
Ông nhấn mạnh rằng, thị trường kinh doanh dữ liệu điện toán đám mây tại Việt Nam đang là một trong những thị trường nhận được sự chú ý ở khu vực Đông Nam Á. “Đây là công nghệ có tiềm năng ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, sản xuất công nghiệp, dịch vụ khách sạn. Điện toán lượng tử tuy là một ngành công nghệ mới nhưng trong tương lai sẽ có tốc độ phát triển vũ bão. Đến năm 2032, tổng giá trị của ngành có thể lên đến 13 tỷ đô. Điện toán lượng tử dự kiến là một thách thức đối với hệ thống an ninh hiện nay, bởi vì sẽ có những máy tính sẽ có thể xử lý nhanh hơn triệu lần hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thích nghi với công nghệ mới”.
Bên cạnh những trở ngại, TS. Công Ái cho rằng nền công nghiệp mới sẽ mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, khi nhân lực tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng đầu thì vô hình chung chất lượng nhân lực chúng ta cũng sẽ được gia tăng. Bên cạnh đó là tiềm năng chuyển vùng nhân lực chất lượng cao và cơ hội được tiếp cận các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
TS. Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, bày tỏ sự tiềm năng mà mạng 5G mang lại khi phát biểu chủ đề “Công nghệ mới định hình kỷ nguyên bền vững”. Theo ông, mạng 5G tạo ra tác động rất lớn trên thế giới, đem đến tốc độ kết nối nhanh hơn rất nhiều, so với thời gian ứng dụng công nghệ mới vào phát triển thì 3G mất 7 năm, 4G mất 5 năm, 5G chỉ mất 7 năm. Ứng dụng công nghệ 5G sẽ cho phép chúng ta kết nối khắp nơi và tự động hóa đa dạng các lĩnh vực, giúp nâng cao chất lượng các ngành hàng, ví dụ có thể theo dõi các mặt hàng theo thời gian thực. Bên cạnh đó, ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh lại lần nữa về tầm quan trọng của AI, rõ ràng nhất là đến năm 2030, AI sẽ đóng góp đến 21% tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ. Việc ứng dụng AI không phải không có những thách thức. Theo ông Nam, AI tốt cần phải được lập trình bởi những thuật toán, dữ liệu bên cạnh đó là nguồn nhân lực được đào tạo về công nghệ AI.
ITECH EXPO 2024 đã nhận được sự tham gia của 500 gian hàng và hơn 10 quốc gia, cùng với đó là các chuyên gia về công nghệ. Triển lãm không chỉ là một sự kiện triển lãm công nghệ mà còn là cầu nối giúp các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển mạng lưới thương mại toàn cầu. Với sự tham gia và hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và đối tác quốc tế, TP.HCM đang khẳng định vị thế tiên phong trong ngành công nghệ số, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Triển lãm công nghệ với gần 300 gian hàng từ các tập đoàn hàng đầu như Intel, ASUS, Kaspersky, Samsung, Xiaomi, Dell Technologies, IBM, Galaxy Holding, VNPT, MISA, FPT và HPT.
Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên ngành tại ITECH Forum còn quy tụ gần 50 chuyên gia và diễn giả đầu ngành, tập trung vào các chủ đề như đo lường tác động kinh tế số, IoT và hệ sinh thái, công nghệ mới nổi, chính quyền số và an toàn thông tin, công nghệ AI và ESG, và nhiều chủ đề khác.